Nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn - nâng tầm Giá trị sản phẩm

      Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Tại Bình Dương, sản xuất hữu cơ tuy đã được ngành nông nghiệp thực hiện nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có chiều sâu. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu góp phần bảo đảm để nông nghiệp Bình Dương phát triển bền vững.

Hướng đi tất yếu

      Báo cáo tại Hội thảo trách nhiệm xã hội trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng qua (22-10) cho biết trên thực tế, nông nghiệp hữu cơ đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham quan, khảo sát mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã An Bình, huyện Phú Giáo.

     Để thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai chuyển giao ứng dụng vi sinh bản địa IMO vào xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất phân hữu cơ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ thông qua việc thực hiện dự án khoa học - công nghệ trên địa bàn TP.Tân Uyên từ năm 2022.

     Theo đó, TP.Tân Uyên đã thành lập các câu lạc bộ IMO trên địa bàn xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội để thực hiện thí điểm, hướng tới chuyển giao cho hơn 2.000 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn 2 xã; đồng thời nhân rộng sang các địa phương khác. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường; giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phải vận chuyển, xử lý; tăng cường tái sử dụng chất hữu cơ, tạo nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sống và giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

     Ông Lê Khắc Hoàng, Giảng viên bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông học Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh: Tỉnh Bình Dương có nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái và bền vững. Tuy nhiên, cần có quy hoạch, chiến lược phát triển hợp lý để bảo đảm các mô hình có thể thích nghi và phát triển trong môi trường đặc thù của một tỉnh công nghiệp hóa. Với các đường lối, chính sách phù hợp, Bình Dương không chỉ có thể phát triển nông nghiệp tiên tiến mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho nền kinh tế nông nghiệp.

      Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tỷ lệ ứng dụng công nghệ tưới phun nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới kết hợp bón phân; tưới kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật… vào sản xuất các loại cây trồng, Đến nay, tỷ lệ ứng dụng công nghệ này đạt trên 90%. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay có trên 90% nước thải phát sinh trong chăn nuôi đã được xử lý qua hệ thống biogas, sau đó tận dụng để tưới vườn; trên 85% chất thải rắn được thu gom, ủ phân kết hợp men vi sinh để làm phân bón vườn. Hiện trên toàn tỉnh có 14 trang trại quy mô lớn thực hiện đánh giá hợp quy nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng theo quy định…

Nhiều thuận lợi

      Hiện nay, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song các loại nông sản chủ lực vẫn ngày càng khẳng định uy tín, vị thế, với năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp trong điều kiện của một tỉnh công nghiệp, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát triển công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

      Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trong tỉnh đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Điển hình như mô hình trồng cây có múi của HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và vận tải Dân Tiến, với diện tích sản xuất hơn 50 ha, chủ yếu trồng bưởi da xanh và cam theo phương thức VietGAP.

Mô hình trồng cây có múi theo hướng VietGAP của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Lập (huyện Phú Giáo) cho sản lượng cao, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng

      Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX, cho biết không chỉ đồng hành trong phát triển sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ thân thiện với môi trường, HTX còn tích cực hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. HTX luôn chú trọng sản xuất an toàn, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX luôn an toàn, sản lượng tăng cao, người tiêu dùng tin cậy. HTX còn đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để chăm sóc vườn cây ăn trái của mình. Hiện HTX kết hợp sản xuất với du lịch nông nghiệp, như thu hái sản vật, câu cá giải trí, hồ bơi, cắm trại…

        Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nền nông nghiệp xanh đang là xu thế không thể đảo ngược trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích lâu dài của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; mở rộng hơn nữa kết quả đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sở sẽ tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ như khuyến khích doanh nghiệp, HTX liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ giống phục vụ sản xuất hữu cơ; hỗ trợ phát triển sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chí OCOP; hỗ trợ gắn phát triển sản phẩm hữu cơ với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm hữu cơ...

                                                  Nguồn https://baomoi.com/