Bộ giống chất lượng là tiền đề đưa lâm nghiệp Nghệ An bay cao

     Muốn vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, bên cạnh công tác thu hút đầu tư, Nghệ An phải nâng cấp bộ giống cây lâm nghiệp đang trên đà suy thoái.

Cải thiện chất lượng rừng trồng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho ngành lâm nghiệp Nghệ An.

    Trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Nghệ An xác định xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

    Đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đằng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

    Từ cơ sở thực tiễn, Nghệ An đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như sau: Giữ tỷ lệ che phủ rừng tỉnh ổn định ở mức 58%; duy trì tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 6,0-6,5%/năm giai đoạn 2021-2025, nâng lên mức 6,5-7% giai đoạn 2026 – 2030; trồng rừng bình quân đạt 18.000 ha/năm (trong đó: trồng mới 1.000 ha/năm; trồng lại 17.000 ha/năm).

    Nâng diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 50.000 ha vào năm 2025 và 70.000 ha vào năm 2030; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng khoảng 2 - 2,2 triệu m3/năm năm 2025, nâng lên 2,2 – 2,5 triệu m3/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần vào năm 2025...

     Rất nhiều đầu mục đã được nêu ra, trong đó việc nâng tầm giống cây lâm nghiệp là nội dung mang tính then chốt. Mục tiêu đến năm 2030 Nghệ An sẽ đáp ứng được 41.500.000 cây giống trồng rừng các loại (gồm cả cây giống phân tán) và khoảng 1.500.000 – 2000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ, đồng thời nâng tỷ lệ nguồn cây được kiểm soát đạt tối thiểu 95%.

Bộ giống cây lâm nghiệp chất lượng là tiền đề để Nghệ An hướng đến những mục tiêu xa hơn.

    Để cụ thể hóa mục tiêu trên hỏi phải sớm hoàn thiện Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, trong đó phân khu sản xuất giống công nghệ cao khi hoàn thành sẽ phục vụ công tác trồng rừng nguyên liệu gỗ, rừng đặc dụng và phòng hộ trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận, qua đó nâng cao chất lượng các loại rừng đạt 20 - 25m3/ha/năm vào năm 2025, 25 – 30 m3/ha/năm vào năm 2030.

     Đây là điều dễ hiểu nếu nhìn vào thực trạng đáng quan ngại lúc này. Qua nắm bắt được biết, hiện toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 174.000ha rừng keo nhưng đa phần là rừng nguyên liệu gỗ nhỏ, chất lượng, năng suất rừng trồng chưa cao, hiệu quả kinh tế mang lại còn hạn chế. Khó khăn càng thêm chất chồng khi một số dòng keo hom biểu hiện thoái hóa, dễ bị dịch bệnh tấn công, hệ quả là chết róc hoặc sinh trưởng chậm, cho sản lượng thấp.

     Điều này bắt nguồn từ thị trường cây giống nhộm nhoạm quá mức, hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh tự phát mọc lên như nấm nhưng công tác quản lý, kiểm soát chẳng đến đầu đến đũa, cứ thế thiệt hại đổ đầu người trồng.

     Nếu không sớm xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc dai dẳng ngành lâm nghiệp Nghệ An khó “hóa rồng” như kỳ vọng, đồng nghĩa giấc mơ vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước cũng khó thành hiện thực.

     Hiện Chính phủ đã chấp thuận phương án xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Bộ ngay tại địa bàn tỉnh Nghệ An, để xứng đáng với niềm tin lớn lao địa phương này phải tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, qua đó sớm đưa vào vận hành, khai thác.

                                                              Theo báo Nông nghiệp Việt Nam


Bài viết khác