Nghệ An Ngày 11/12, Bộ NN-PTNT phối hợp Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết Chương trình 'Bảo tồn nguồn nước - Vì một Việt Nam xanh'.
Mục tiêu của chương trình là phát triển trồng rừng, hướng đến bảo tồn nguồn nước, hấp thụ carbon và cải thiện sinh kế. Trên địa bàn 3 tỉnh thực hiện, chương trình ghi nhận nhiều kết quả khả quan ngay trong năm đầu triển khai.
Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Phạm Hồng Lượng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp chia sẻ, việc hợp tác giữa hai bên đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong việc phát huy giá trị đa dụng của rừng. Các mô hình giúp người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của rừng, không chỉ góp phần bảo vệ nguồn nước, mà còn mang lại sinh kế cho cộng đồng địa phương.
"Lễ tổng kết hôm nay vừa để ghi nhận những kết quả tích cực giai đoạn đầu, vừa là sự nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa khu vực công và tư trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững", ông Lượng nói.
Vào tháng 7/2024, Bộ NN-PTNT và Suntory PepsiCo Việt Nam ký hợp tác công tư. Ngay sau đó, chương trình “Bảo tồn nguồn nước - Vì một Việt Nam xanh" đã triển khai đồng bộ tại các khu vực rừng đầu nguồn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu gồm: Bắc Kạn, Nghệ An và Cà Mau.
Được thiết kế bài bản, chương trình đã khảo sát, đo lường đánh giá cơ sở dữ liệu về nước và carbon, lựa chọn và nuôi trồng giống cây bản địa, triển khai trồng mới và làm giàu 35ha rừng trong năm 2024, nâng tổng diện tích rừng Suntory PepsiCo Việt Nam trồng từ năm 2021 lên gần 200ha trên cả nước.
Bên cạnh tác động tích cực cho môi trường, mô hình trồng rừng đã giúp hơn 100 hộ gia đình tham gia có thu nhập ổn định, đồng thời thay đổi nhận thức về giá trị của rừng, từ đó chăm sóc, bảo vệ và chung tay thúc đẩy tính bền vững của chương trình.
Trong vòng nửa năm, hàng trăm người dân và chủ rừng đã được đào tạo về kỹ thuật quản lý, chăm sóc rừng, tập huấn, nâng cao nhận thức về vai trò của rừng trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, nhiều cam kết bảo vệ rừng kéo dài 20 năm đã được ký giữa chủ rừng và chính quyền địa phương, đảm bảo sự quản lý bền vững và bảo tồn lâu dài.
"Những kết quả đạt được từ mô hình này không chỉ đánh dấu bước khởi đầu quan trọng mà còn tạo nền tảng để nhân rộng trong tương lai, mang lại giá trị tích cực lâu dài cả về môi trường lẫn tác động tích cực cho cộng đồng, xã hội", bà Ngô Nữ Huyền Trang Giám đốc Đối ngoại, Suntory PepsiCo Việt Nam bày tỏ.
Theo bà Trang, trong 30 năm đồng hành cùng Việt Nam, Suntory PepsiCo luôn tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững nhằm giải quyết các thách thức môi trường và xã hội đúng với giá trị cốt lõi “Phát triển vì những điều tốt đẹp”.
Chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp tập trung vào 6 trụ cột chính. Đây cũng là đơn vị tư nhân đầu tiên hợp tác công tư với Bộ NN-PTNT trong phát triển rừng bền vững.
Luôn ý thức sâu sắc tầm quan trọng của nguồn nước, Suntory PepsiCo chủ trương thúc đẩy sự bền vững của nguồn nước qua 2 hướng tiếp cận song song: Tối ưu việc sử dụng nước trong sản xuất; Phủ xanh rừng đầu nguồn nhằm bồi hoàn nước cho thiên nhiên.
Công ty cũng thúc đẩy nguồn nước bền vững trong tương lai thông qua giáo dục, nuôi dưỡng ý thức bảo vệ nguồn nước cho học snh - thế hệ tương lai - trong chương trình “Mizuiku – Em yêu nước sạch,” được triển khai từ năm 2015.
Với mục tiêu tăng cường tiếp cận nước sạch cho cộng đồng, trong buổi lễ tổng kết sáng 11/12, đại diện Suntory PepsiCo Việt Nam đã tặng máy lọc nước cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Kỳ Sơn là 1 trong 3 địa phương được lựa chọn thực hiện chương trình “Bảo tồn nguồn nước - Vì một Việt Nam xanh”. Nơi đây từng trải qua tình trạng chặt phá rừng nghiêm trọng, tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất xảy ra thường xuyên.
Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến nguồn nước tại Việt Nam. Việc mất rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, làm suy yếu khả năng trữ nước tự nhiên, dẫn đến hạn hán kéo dài, xói mòn đất và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân.
Chỉ riêng năm 2023, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.722,3 ha, chủ yếu do cháy rừng và các yếu tố thời tiết khắc nghiệt, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Hợp tác công tư, vì thế, là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết vấn đề này.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam