Thời gian qua, Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) đã hỗ trợ người dân đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc này còn giúp các địa phương hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và kiểm soát được chất lượng nông sản trên thị trường…
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam GS. VS. Trần Đình Long cho biết, hiện nay nước ta đã chuyển giao nhiều giống mới như: Giống lúa chất lượng: ST24, ST25, TBR225, ĐH12, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8; IRI352, N97, N98, OM4900, OM5451, OM4218, OM18, RVT, CNC11, BĐR57, BĐR999; giống cây công nghiệp: cà phê (TR4, TR6, TR9, TR11 và TRS1); chè LDP1, LDP2, PH1, PH8, San tuyết... cũng như các giống cây ăn quả: Cam, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng Ri6, bơ, xoài,... Hằng năm, nhu cầu về giống lúa khoảng 350 - 400 ngàn tấn, 28 - 30 ngàn tấn ngô cho gần 7 triệu ha lúa và 1,4 triệu ha ngô. Lượng giống lúa cơ bản đã sản xuất ở trong nước trên 80%. 40% giống ngô…mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, xuất khẩu cũng như người dân sản xuất trên cả nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất, mới đây VSA đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất” nhằm phổ biến kiến thức về giống cây trồng, nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất. Theo ông Trần Đình Long, để làm tốt công tác này đòi hỏi tập trung một số yếu tố như: Nghiên cứu, ưu tiên bảo tồn nguồn gen, nguồn vật liệu cho công tác chọn tạo giống; kết hợp phương pháp chọn tạo giống mới bằng phương pháp hiện đại kết hợp với truyền thống; sản xuất cần gắn liền với doanh nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hạt giống; trong thương mại hạt giống, ưu tiên bảo hộ giống và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng; đẩy mạnh liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và nông dân…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và tích cực, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ cây giống, hạt gống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp yếu tố giống quyết định tới 30 - 40% sự thành bại của cả chuỗi sản xuất. Đối với cây hoa nói riêng, yếu tố giống quyết định tới 40 - 50% sự thắng lợi đối với người trồng hoa. Hiện nay, Viện đã chọn, tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống hoa có chất lượng cao như: Hoa lan Hồ điệp thơm CF.21.15, hoa lan Hoàng Thảo CF.22.03, Lay Ơn CF.21.09… và một số dự án đã và đang lai tạo được hàng ngàn tổ hợp lai có triển vọng đảm bảo cung cấp giống chất lượng cao cho người sản xuất.
Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Trần Ngọc Thạch chia sẻ, hàng năm Viện sản xuất 5.000 - 6.000 tấn lúa giống các cấp (siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận) cho vùng ĐBSCL và các vùng lân cận. Nghiên cứu lai tạo, chuyển giao các giống lúa mới, khai thác tác quyền như: OM8017, OM2514, OMCS200… từ đó nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa.
Để hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đưa nhiều giống mới vào sản xuất. Các giống cây trồng mới này đều cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Nguồn http://tapchinongnghiep.vn/