Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 (bão Yagi) vào đầu tháng 9/2024, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết thúc năm 2024, ngành nông nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng bứt phá, góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn nền kinh tế…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 3,3% so với năm 2023, trong đó: trồng trọt tăng 1,7 - 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 - 5,5%; thủy sản tăng 5,0 - 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 - 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5%; xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm 2023.
Đánh giá kết quả của ngành nông nghiệp năm 2024, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; đồng thời là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.
Trong thành tích chung, ngành lâm sản cũng ghi dấu ấn với con số xuất khẩu “ấn tượng” 17,2 tỷ USD; trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt kỷ lục 16,5 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ. Trong cơ cấu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: đồ gỗ nội/ngoại thất chiếm 70%; các loại ván gỗ chiếm 7%; dăm gỗ chiếm 17%; viên nén gỗ chiếm 5%, còn lại 1% là sản phẩm khác.
XUẤT KHẨU NÔNG, LÂM SẢN ĐẠT KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG
Với ngành trồng trọt, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3, song kết thúc năm 2024 vẫn ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật, nhất là trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như trái cây, gạo, cà phê và hạt điều.
Cụ thể, với mặt hàng gạo, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định kết quả xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 9 triệu tấn, với kim ngạch 5,8 tỷ USD trong năm 2024 không phải là ngẫu nhiên, mà đã có sự chuẩn bị và chỉ đạo sản xuất được thực hiện từ nhiều năm trước, đặc biệt là trong việc chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Điều này cho thấy, các chiến lược phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang đi đúng hướng.
"Trong năm 2024, xuất khẩu trái cây của Việt Nam cũng đạt thành tích ấn tượng, khi lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, nhờ các chương trình như “rải vụ trái cây” đã giúp tăng trưởng xuất khẩu và tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Đây là chương trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi xướng từ hơn 10 năm trước, giúp Đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu vực có thể thu hoạch trái cây quanh năm, điều này không chỉ nâng cao giá trị trái cây mà còn giúp ngành nông sản Việt Nam có mặt trên các thị trường khó tính".
Bên cạnh những thành tựu, ông Nguyễn Quốc Mạnh cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, đặc biệt là sự phát triển nóng của một số cây trồng như sầu riêng. Mặc dù diện tích sầu riêng tăng nhanh, nhưng do cây này rất “mẫn cảm” với xâm nhập mặn, vì vậy không nên mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở những khu vực dễ bị xâm nhập mặn, để tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Về lâu dài, ông Mạnh cho rằng ngành trồng trọt cần phải có những giải pháp phát triển bền vững, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng diện tích. Sự phát triển bền vững sẽ giúp ngành nông sản Việt Nam duy trì được vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
NGÀNH THỦY SẢN THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN ĐAN XEN
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết lễ mừng xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt giá trị 10 tỷ USD được tổ chức vào tối 23/12 là cột mốc ấn tượng trong năm 2024. Sự kiện này phản ánh nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có hai điểm nhấn lớn. Một là, tôm với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2023. Đây là một thành tựu đáng kể khi tôm vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngành thủy sản Việt Nam. Hai là, cá ngừ cũng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, khi Việt Nam tận dụng tốt hạn ngạch 11.500 tấn mỗi năm từ thị trường châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2024 ước cán mốc 1 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, về khai thác biển, việc thực hiện quy định chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) cũng là một trong những khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp. Chẳng hạn như ngành cá ngừ đang phải đối mặt với một số vấn đề pháp lý, đặc biệt là quy định trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP về kích thước cá ngừ vằn được phép khai thác. Theo đó, chỉ những con cá có kích thước từ 0,5m trở lên mới được phép khai thác, tuy nhiên, thực tế cá có kích thước trên 0,5m chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong mỗi mẻ lưới. Điều này khiến cho ngư dân gặp khó khăn khi không thể bán được cá nếu không đạt yêu cầu về kích thước.
“Các quốc gia khai thác cá ngừ khác không có quy định về kích thước mà chỉ quy định về mùa vụ khai thác, vì vậy, cần sửa đổi nghị định này sẽ giúp tạo động lực cho ngư dân duy trì nghề đánh bắt và tăng sản lượng”, ông Nam kiến nghị. Đồng thời, ông Nam cho rằng trong tương lai, ngành thủy sản Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Các thị trường này đang ngày càng yêu cầu các chứng nhận về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
Do đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận bền vững sẽ là yếu tố quyết định để giữ vững và phát triển thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Chỉ khi ngành thủy sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, từ chất lượng sản phẩm đến trách nhiệm môi trường, thì chúng ta mới có thể tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới...
Nguồn https://baomoi.com/