Nâng cao hiệu quả dạy và học thực hành, thực tập tại các đơn vị cơ sở

Tóm tắt: Để thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhằm nâng cao năng lực làm việc của sinh viên sau khi ra trường, từng bước cải tiến chương trình đào tạo thích ứng với yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Tôi tiến hành phân tích những vấn đề thực hành thực tập tại các đơn vị cơ sở đối với các học phần thuộc khoa Nông Lâm Ngư. Những vấn đề mà trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy cần phải được quan tâm và có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đối với ngành kỹ thuật nói chung và với các ngành thuộc khoa Nông Lâm Ngư của trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói riêng thì vấn đề thực hành thực tập là nội dung không thể thiếu và tách rời lý thuyết. Vì lý thuyết là cơ sở lý luận, là thông tin hướng dẫn thực hiện cách làm, các thao tác cụ thể. Như vậy, giảng dạy nội dung lý thuyết cung cấp nền tảng để tiến hành thực hành thực tập.

Việc chỉ giảng dạy nội dung lý thuyết thì rất trìu tượng, khô khan và rất khó tiếp thu; học xong rồi để đó không biết áp dụng. Thậm chí là làm cho người học cảm thấy “rất hoang mang” vì không trả lời được câu hỏi: “học cái này để làm gì?”,  “học có áp dụng được không?”, “học có làm được không?”.

Thực hành chính là cách áp dụng lý thuyết vào thực tế, “Lý thuyết vốn trừu tượng khó hiểu, nhưng thực hành thì rất rõ ràng cụ thể, giúp ta nắm vững lý thuyết hơn” [2]. Do vậy, xu hướng chung của các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học là tinh lược bớt lý thuyết và tập trung vào thực hành thực tập. Cụ thể là thời lượng thực hành  chiếm từ 1/3 đến 1/2 trong chương trình đào tạo các học phần. Tuy nhiên, quá chăm vào thực hành mà bỏ dở lý thuyết sẽ biến bạn thành thợ cù, chỉ làm mà không hiểu, không truyền đạt được cho người khác.

Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Học lý luận không phải để nói mép… Học để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác nào đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa vấp váp” [1].

Muốn tìm hiểu những vấn đề phức tạp, chủ động giải quyết được vấn đề nảy sinh trong thực tiễn phải có lý thuyết và nền tảng tốt. Sau khi đã vững lý thuyết, ta cần thực hành nhiều để tích lũy kinh nghiệm. Có những thứ không bao giờ có trong lý thuyết, chỉ có trải qua thời gian dài tích lũy thì ta mới nắm được.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN

1. Mục đích của thực hành thực tập

Thực hành, thực tập hướng tới các mục tiêu:

- Quán triệt nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn” trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

- Giúp sinh viên nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân trong sự phát triển của xã hội, từ đó hình thành ý thức và tình cảm với nghề nghiệp.

- Tạo điều kiện để sinh viên vận dụng kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn, từ đó hình thành các kỹ năng nghề nghiệp.

- Kết quả thực hành thực tập là một trong những điều kiện để đánh giá khả năng và năng lực của người học.

2. Cơ sở lý luận của thực hành thực tập

Nhận thức khoa học là loại nhận thức được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ sự phản ánh đặc điểm bản chất, những quan hệ tất yếu của các sự vật. Nhận thức khoa học vừa có tính khách quan, trừu tượng, khái quát lại vừa có tính hệ thống, có căn cứ và có tính chân thực. Nó vận dụng một cách hệ thống các phương pháp nghiên cứu và sử dụng cả ngôn ngữ thông thường và thuật ngữ khoa học để diễn tả sâu sắc bản chất và quy luật của đối tượng nghiên cứu. Vì thế nhận thức khoa học có vai trò ngày càng to lớn trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt trong thời đại khoa học và công nghệ [3]. Do vậy, một trong những yêu cầu quan trọng của sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới công tác đào tạo trong các trường đại học chuyên nghiệp nói riêng là tăng cường thực hành cho sinh viên, tạo điều kiện cho người học được trải nghiệm thực tế.

Đào tạo kỹ sư trình độ đại học có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu của nghề, đòi hỏi sinh viên phải có một hệ thống các kỹ năng cao. Các kỹ năng này được hình thành phần lớn trong quá trình thực hành, thực tập. Bởi vậy, cần tiến hành một cách hiệu quả nội dung các bài thực hành thực tập vì lý do như sau:

          - Thực hành thực tập là nguồn gốc, xuất xứ của kiến thức; qua thực tế triển khai và quan sát sinh viên thấy được hiện tượng, từ đó rút ra được kết luận vấn đề đang nghiên cứu, tức là từ thực tiễn đi đến tư duy logic có cơ sở khoa học.

          - Thực hành thực tập giúp sinh viên hứng thú học tập, nâng cao lòng yêu khoa học, phát huy được tính sáng tạo, tính tò mò ham học hỏi.

          -  Thực hành thực tập làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các sự vật, giải thích được bản chất của các quá trình xảy ra trong tự nhiên, trong thực tiễn sản xuất.

          - Thực hành thực tập có tác dụng phát triển tư duy, giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng, củng cố niềm tin vào khoa học của sinh viên. Giúp sinh viên hình thành những đức tính của con người mới: làm việc khoa học, thận trọng, ngăn nắp, gọn gàng,…vv [4].

III. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP DẠY – HỌC THỰC HÀNH THỰC TẬP TẠI CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ

          Các ngành đào tạo thuộc khoa Nông Lâm Ngư là chuyên ngành bao gồm nhiều học phần thuộc khoa học ứng dụng, vì vậy thực hành thực tập là nội dung không thể thiếu và rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề triển khai thực hiện nội dung dạy và học thực hành thực tập tại các đơn vị cơ sở của khoa Nông Lâm Ngư trường Đại học Kinh tế Nghệ An có những trăn trở. Qua giảng dạy tôi nhận thấy một số vấn đề như sau:

1. Những yêu cầu về thực hành thực tập

- Sinh viên phải được thực hiện đầy đủ các nội dung của các bài thực hành thực tập dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của giảng viên và cán bộ cơ sở.

- Có địa bàn để sinh viên thực hành thực tập.

- Sinh viên phải nghiêm túc và nhận thức được ý nghĩa, vai trò của thực hành thực tập tại đơn vị cơ sở.

- Cần nhiều kĩ năng mềm, giao tiếp trong môi trường làm việc thực tế; khả năng chịu áp lực trong môi trường làm việc khác nhau, thậm chí khắc nghiệt, độc hại và cả những rủi ro.

- Sử dụng thật hiệu quả thời gian thực hành thực tập để sinh viên thu nhận được nhiều kiến thức, kĩ năng hơn từ đó nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo. Sinh viên ra trường bắt nhịp ngay vào những công việc được đảm nhận và kết quả công việc sẽ tốt hơn.

2. Thực trạng thực hành thực tập tại các đơn vị cơ sở

          - Công tác hợp tác đào tạo của khoa: Khoa đã bước đầu ký kết hợp tác được với một số công ty, vừa là nơi để sinh viên thực tế, thực hành thực tập, vừa có thể giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp: Doanh nghiệp Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Goldenstar, Công ty cổ phần Hải Nguyên, … Ngoài ra, còn có một số đơn vị dù chưa ký văn bản hợp tác nhưng đã tổ chức đưa sinh viên đi thực tế như: Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây (Hà Nội), Trung tâm Tinh đông lạnh Mocada, Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Như Thanh,  chăn nuôi Bò sữa TH- True milk, Cty Bò sữa ở Hương Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Công ty TNHH MTV Nông Lâm nghiệp Sông Hiếu, UBND một số xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc, UBND xã Nghi Liên, Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Vinh, Sở TNMT Nghệ An, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Nghệ An….. Tuy nhiên việc liên kết này chưa thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất.

- Đối với Sinh viên: đến các cơ sở để thực hành nhằm làm quen, học hỏi và từng bước thực hiện các nội dung của  các học phần. Các em cũng đã có ý thức đối với thực hành thực tập tại cơ sở; chú ý lắng nghe, ghi chép, trực tiếp thao tác các nội dung; từng bước làm quen các công việc thực tế và dần hình thành kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng sinh viên coi đây là thời gian thư giãn, hời hợt, không coi đây là nội dung quan trọng, là cơ hội để nắm bắt được kiến thức mà ở phần lý thuyết không thể hiện được.

- Đối với giảng viên:  Nhìn chung các nội dung thực hành thực tập được triển khai một cách đầy đủ, bài bản do giảng viên đã chủ động xây dựng nội dung bài thực hành, chủ động lên kế hoạch và hợp tác với các đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những học phần còn thực hiện chưa được tốt do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Ví dụ: giảng viên chưa liên hệ hết các cơ sở thực hành thực tập để đưa các e sinh viên xuống cơ sở, đang thiếu đồ bảo hộ lao động, kế hoạch thực hành thực tập còn phụ thuộc vào kế hoạch của đơn vị cơ sở… vv. Giảng viên vẫn còn chưa bắt nhịp kịp với các kỹ thuật mới, công nghệ mới hiên nay đang có tại các cơ sở thực hành thực tập do chưa có điều kiện tiếp cận, tập huấn sử dụng…vv.

   - Một thực tế hiện nay chưa được nhìn nhận đúng đắn và coi trọng là giảng viên hướng dẫn thực hành phải đối mặt với sức ép về khối lượng công việc, áp lực thời gian, trách nhiệm và nhiệm vụ trong thời gian  thực hành rất nặng nề; từ xây dựng chương trình, liên hệ cơ sở đến hướng dẫn, giám sát, quản lý, đánh giá sinh viên,…vv.

3. Những thuận lợi về thực hành thực tập tại các đơn vị cơ sở

- Nhà trường đã hỗ trợ một phần kinh phí, đầu tư xe để chở sinh viên đi thực hành thực tập tại cơ sở….vv.

- Đội ngũ giảng viên cơ bản đúng chuyên ngành đào tạo, đáp ứng tay nghề, đáp ứng đủ chuẩn để đào tạo trình độ đại học và hướng dẫn thực hành thực tập.

          - Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất hiện nay của cả nước, phong phú về địa hình và đa dạng về các ngành nghề nông lâm ngư : Rừng và biển, đa dạng sinh học, hiện trường phong phú. Sinh viên được trải nghiệm thực tế, được sử dụng các trang thiết bị mới hiện đại mà nhiều khi nhà trường không có.

          - Các đơn vị cơ sở sở sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đến thực hành, thực tập. Bên cạnh đó còn chia sẽ những kinh nghiệm trong qúa trình thực tế làm việc với sinh viên và giảng viên.

4. Những khó khăn về thực hành thực tập tại các đơn vị cơ sở

           - Thiếu bộ phận chuyên trách về hợp tác đào tạo vì vậy dẫn đến: Việc tạo lập địa bàn thực hành thực tập còn mang tính chất mối quan hệ giữa cá nhân giảng viên với đơn vị cơ sở mà chưa đứng trên góc độ hợp tác giữa nhà trường với cơ sở thực hành thực tập; Chưa có Quy trình, Quy chế về việc đưa sinh viên đi thực hành, thực tế tại các cơ sở thực tập. Vì vậy, hồ sơ giấy tơ còn mang tính tự biên tự diễn mà chưa theo mẫu thống nhất chung. Ví dụ: đối với thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp hiện nay chưa thống nhất về các giấy tờ như giấy giới thiệu, kế hoạch, nhật ký thực tập, quyết định thực tập cho sinh viên, … vv.

          - Giảng viên, sinh viên, nhà trường và đơn vị hợp tác chưa xác định được hết trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi khi thực hành thực tập tại cơ sở; Giảng viên và sinh viên còn lúng túng trong hồ sơ giấy tờ khi đưa sinh viên đến các cơ sở thực hành thực tập.

- Có những học phần nội dung các bài thực hành thực tập mang tính chất dàn trải, không tập trung do vậy gây khó khăn trong việc đi lại, ăn ở và xếp lịch học lý thuyết ở trường. Có những nội dung thực hành tập tại đơn vị cơ sở khó chủ động sắp xếp vì phụ thuộc vào kế hoạch của các đơn vị. Đặc biệt là đối với các lớp học liên thông chỉ học thứ 7, chủ nhật trong khi những nội dung thực hành thực tập của các đơn vị lại bố trí vào các ngày thường trong tuần hoặc có những bài thực hành thực tập không phụ thuộc vào kế hoạch của giảng viên hay của đơn vị cơ sở mà nó chỉ thực hiện được khi xảy ra mang tính khách quan do chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và dân sinh kinh tế xã hội.

- Sinh viên còn gặp khó khăn khi thực hiện những nội dung thực hành thực tập liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau; từ trình độ nhận thức, quan niệm sống, tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán, sinh hoạt … khác nhau. Ví dụ: Khi thực hành thực tập về nội dung tuyên truyền vai trò của rừng, tuyên truyền về bảo vệ rừng, về phòng chống dịch bệnh. Việc tham gia hướng dẫn cho sinh viên ở vườn ươm liên quan đến kế hoạch làm việc và chế độ của họ…vv.

- Sinh viên chưa mạnh dạn ở môi trường mới,  ngại học hỏi khi va chạm thực tế, vẫn đang xem nhẹ và chưa chú trọng lắm đến việc thực hành thực tập tại đơn vị cơ sở.

5. Đề xuất giải pháp

Để thực hiện được thuận lợi và hiệu quả nội dung các bài thực hành thực tập tại đơn vị cơ sở đối với các học phần thuộc khoa Nông Lâm Ngư nói riêng và vấn đề dạy – học thực hành thực tập  nói chung tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

5.1. Đối với Nhà trường

- Nhà trường hàng năm cần tổ chức diễn đàn phối hợp đào tạo giữa nhà trường và các doanh nghiệp, các nông - lâm trường để gắn kết mối quan hệ nhằm tạo điều kiện cho khoa, cho giảng viên về việc triển khai thực hành thực tập ở cơ sở.

- Cần thiết phải có mối liên hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và Nhà trường để có các tư liệu về chuyên môn. Giúp các giảng viên được tham gia cuộc hội nghị chuyên môn, hội thảo cấp tỉnh, tập huấn chuyên môn…. Trên cơ sở đó để giảng viên có thêm thông tin, thêm kiến thức bổ sung vào bài giảng. Đồng thời giúp nhà trường có thêm nhiều địa bàn để tổ chức giảng dạy thực hành thực tập.

- Xây dựng mạng lưới cơ sở thực tập, thực hành để sinh viên đăng ký ngay từ khi mới vào trường và thông báo cho sinh viên từ đầu năm học.

- Nhà trường cần hỗ trợ kinh phí cho giảng viên khi đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở các cở sở hoặc các doanh nghiệp có uy tín.

- Nhà trường cho phép giảng viên linh động bố trí xếp lịch khi đi thực hành thực tế tại các đơn vị cơ sở. Đặc biệt ưu tiên cho những nội dung thực hành thực tập mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào kế hoạch thực hiện của các đơn vị.

- Tăng cường hơn nữa đối với việc trang bị cho cả giảng viên và sinh viên về kỹ năng mềm trong giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình....

- Cần ban hành Quy trình, Quy chế về thực hành thực tập; hàng năm có thể nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

5.2. Đối với giảng viên

-  Giảng viên là thành phần tương tác trực tiếp với sinh viên, quyết định đến chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo cần tăng cường đi thăm, trải nghiệm thực tế, tập huấn sử dụng các phương tiện mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, giúp bài giảng có tính ứng dụng cao, tăng kĩ năng kĩ xảo thực hành thực tập để hướng dẫn cho sinh viên. Cập nhật được những kiến thức mới, ứng dụng mới để giảng dạy giúp cho giảng viên và sinh viên không bỡ ngỡ khi tiếp cận thực tế. Thậm chí để công tác thực hành, thực tập được tốt thì bản thân giảng viên phải chấp nhận cách vừa làm vừa học cùng với sinh viên trong một giai đoạn nhất định. 

- Giảng viên phải chuẩn bị tốt công việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung, xác định thời gian và phân công nhiệm vụ đến từng cá nhân khi đến thực thành thực tập tại đơn vị cơ sở.

- Giảng viên phải giữ mối liên hệ tốt với đơn vị cơ sở để duy trì địa bàn thực hành thực tập cho sinh viên được bền lâu, phải phối hợp tốt với các đơn vị nơi thực hành thực tập để sắp xếp được phù hợp và chủ động nội dung các bài thực hành thực tập.

- Giảng viên phải có trách nhiệm cao trong quá trình đào tạo, tăng cường ý thức trách nhiệm tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập. Sau mỗi đợt thực hành, thực tập cần triển khai việc viết báo cáo thực hành, thực tập đúng quy định, đúng thời gian; chấm báo cáo thực hành, thực tập khách quan, công bằng.

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thực hành thực tập đối với sinh viên. Giúp sinh viên nhận thấy rằng việc thực tập có vai trò quan trọng không chỉ là điểm số mà còn giúp họ được tiếp cận với nghề nghiệp đã lựa chọn khi bước chân vào trường, hiểu được mình sẽ làm công việc như thế nào sau khi ra trường và mình có thực sự phù hợp với công việc đó hay không. Thông qua quá trình áp dụng các kiến thức lý thuyết đã được học vào thực tế công việc giúp sinh viên nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu, tự thấy cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai. Trong quá trình thực tập, sinh viên có thể thiết lập được các mối quan hệ liên quan đến nghề nghiệp của mình, điều này rất hữu ích cho sinh viên khi ra trường. Do vậy, sinh viên cần phải cố gắng để tích luỹ kiến thức, cập nhật kịp thời yêu cầu công việc với mục tiêu thu thập kỹ năng, kinh nghiệm để phục vụ công việc trong tương lai.

- Khuyến khích lòng hăng say, nhiệt huyết tuổi trẻ và tình yêu nghề của sinh viên đối với ngành nghề mà mình theo học, để từ đó biết vượt qua được những cản trở, khó khăn và vất vả trước mắt để tiến tới hành trình sự nghiệp lâu dài.  

-  Giảng viên cần chủ động sắp xếp xen giữa lịch học lý thuyết với lịch học thực hành báo với giáo vụ khoa để sắp xếp được hợp lý, đặc biệt thường xuyên phải  liên hệ với các đơn vị cơ sở để bố trí đưa sinh viên đi để được trải nghiệm thực tế.

- Nâng cao trách nhiệm quản lý sinh viên và phối hợp chặt chẽ với đơn vị cơ sở về việc theo dõi, nắm bắt tình hình học tập của sinh viên. Thường xuyên hướng dẫn, động viên, nhắc nhở người học trong suốt quá trình thực hành thực tập.

5.3. Đối với Sinh viên

          - Sinh viên phải vững vàng về lý thuyết. Biết biết vận dụng một cách linh hoạt trong thực tế.

          - Phải coi trọng ý nghĩa của thực hành thực tập tại cơ sở, bởi đây là tiền đề để mỗi bản thân các em bước vào môi trường công việc thực tế sau khi ra trường.  Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình thực hành thực tập. Phải có ý thức xây dựng, phát triển chương trình thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ của đơn vị, kịp thời phản ánh đúng tình hình thực hiện chương trình với giảng viên, cán bộ hướng dẫn khi cần thiết.

          - Cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm để tránh bối rối khi xử lý các tình huống mang tính chất giao tiếp hoặc trên diễn đàn hội thảo và các sự kiện khác.

          - Phải chịu khó học hỏi, đam mê khát vọng làm giàu và thành công, sẵn sàng làm việc khi được phân công dù vất vả. Biết phối hợp, chia sẻ và biết lắng nghe mọi sự góp ý.

          - Nâng cao tính kỷ luật trong quá trình thực hành thực tập. Sinh viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định, kế hoạch, nội dung trong thời gian thực hành thực tập;  tuân theo sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ cơ sở nơi thực hành thực tập. Phải đảm bảo thời gian và tiến độ thực hiện công việc. Có quan hệ tốt với cơ sở thực hành thực tập, có thái độ và hành vi văn minh, lịch sự, đảm bảo uy tín của Nhà Trường.

5.4. Đối với các đơn vị sơ sở

- Cơ sở thực tập thực tế phải được đảm bảo an toàn về thân thể, tính mạng và tinh thần cho sinh viên.

- Cơ sở thực tập phải đáp ứng được yêu cầu nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức và phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng bổ trợ cần thiết cho sinh viên để hoàn thành chuẩn đầu ra chương trình đào tạo.

- Cơ sở thực tập bố trí cán bộ đúng trình độ chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ cho các hoạt động thực tập, thực tế của sinh viên; hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên tham gia học tập, thực tập thực tế.

- Cơ sở thực tập chia sẻ cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ liên quan đến hoạt động thực tập thực tế của sinh viên.

- Cơ sở thực tập phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác đào tạo một cách thiết thực, hiệu quả với nhà trường.

- Sinh viên hoàn thành hoạt động thực hành, thực tập tại các đơn vị có ký kết thoả thuận hợp tác với đơn vị đào tạo được cấp giấy chứng nhận tham gia quá trình thực tập (nếu có yêu cầu).

- Cơ sở thực tập cần xác định việc tiếp nhận sinh viên đến thực hành thực tập, học nghề từ các trường đào tạo không chỉ mang trách nhiệm ý nghĩa xã hội mà còn nâng cao vị thế của đơn vị trong cộng đồng, hơn nữa còn giúp các đơn vị tiết kiệm được chi phí và thời gian tuyển dụng nhân sự và phát triển nguồn nhân lực, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của đơn vị.

IV. KẾT LUẬN

          Nội dung thực hành thực tập của các học phần thuộc Khoa Nông Lâm Ngư rất đa dạng, phong phú và nhiều vấn đề cần được thảo luận ở các cấp độ khác nhau từ bộ môn trở lên. Việc đánh giá hiệu quả của việc tổ chức dạy và học thực hành, thực tập ở cơ sở là những vấn đề thiết thực để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong quá trình hội nhập. Trong phạm vi cho phép của bài viết nên tôi chỉ tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Mong rằng qua đây sẽ cung cấp được những dẫn liệu quan trọng để mỗi giảng viên, lãnh đạo Nhà trường chia sẽ, áp dụng trong quá trình triển khai giảng dạy các học phần có phần thực hành thực tập ở các cơ sở. Làm tốt hoạt động này đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước khẳng định được thương hiệu của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

          Bài viết chắc chắn còn có những hạn chế, rất mong bạn đọc và các đồng nghiệp đóng góp ý kiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tập 9, tr.292.

2. Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Hữu Vui (đồng chủ biên) và các tác giả khác, Giáo trình Khoa học Mác – Lê nin, Nhà xuất bản Quốc gia, năm 2006.

3. Techtalk via toidicodedao, Lý thuyết hay thực hành quan trọng hơn, https://techtalk.vn/ly-thuyet-hay-thuc-hanh-quan-trong-hon.html.

4. Quy định về công tác thực hành thực tập 2011, trường Đại học Quảng Bình.http://thmn.quangbinhuni.edu.vn/Dai-Hoc-Quang-Binh/PortalDetail/0/ Quy_ionh _ve _cong /567/1028

                                                                                                         ThS. Trần Thị Thúy Nga

                                                                                                     Bộ môn Trồng trọt – Lâm sinh