Hội nhập kinh tế quốc tế làm thay đổi môi trường, điều kiện làm việc của ngành kế toán - kiểm toán nó giúp cho công việc KTKT không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Có nghĩa là kế toán viên và kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc KTKT ở bất kỳ quốc gia nào và ngược lại. Đây vừa được coi là cơ hội và cũng là thách thức đối với bất kỳ ai muốn trở thành một kế toán viên hay kiểm toán viên tại Việt Nam, họ cần chuẩn bị cho mình những điều kiện để có thể đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, để nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề. Dưới đây là một số kiến thức và kỹ năng cần thiết mà sinh viên ngành KTKT cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.
Thứ nhất, về kiến thức chuyên môn.
Kiến thức đầu tiên các em sinh viên cần trang bị cho mình là những kiến thức cơ bản về kế toán, những kiến thức này các em có được trong học phần Nguyên lý kế toán. Môn học cơ sở này đóng vai trò rất quan trọng, xuyên suốt trong quá trình học tập và làm việc sau này bởi các kiến thức sau này đều gắn liền với nguyên lý, khuôn mẫu kế toán. Bên cạnh môn Nguyên lý kế toán còn rất nhiều các môn học về kế toán như: Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Kế toán công,… sẽ giúp các em có đầy đủ kiến thức về các phần hành kế toán tại doanh nghiệp. Các môn học Kế toán tài chính hướng dẫn cách xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, tổng hợp và trình bày các dữ liệu đó trên BCTC biến các con số trở nên có ý nghĩa thông qua việc “đọc”, “hiểu” và bước đầu phân tích được BCTC; môn học Kế toán quản trị giúp các em hiểu rằng phần lớn các dữ liệu đầu vào của kế toán không phải xuất phát từ bộ phận kế toán mà được thu thập từ tất cả các bộ phận liên quan đến doanh nghiệp nên kế toán cần “biết cách” lấy các dữ liệu này một cách phù hợp. Trong những năm gần đây, các trường đào tạo ngành KTKT đều có những đổi mới căn bản về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy các học phần kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, chương trình đào tạo KTKT bậc đại học của một số trường đã có sự tham khảo các chương trình đào tạo của một số nước trên thế giới. Nhiều trường đã xây dựng và phát triển chương trình Chất lượng cao, chương trình liên kết, chương trình đào tạo cử nhân quốc tế. Việc tích hợp nội dung một số môn học trong chương trình đào tạo giúp sinh viên có được nhiều lợi thế, như: nhận được bằng cử nhân đại học; có cơ hội hoàn thành 2/3 chương trình ACCA ngay khi học đại học hoặc Chứng chỉ quốc tế về Kế toán - Tài chính - Kinh doanh ICAEW CFAB;…
Với sinh viên chuyên ngành KTKT nói chung, để đáp ứng yêu cầu có cơ hội làm việc tại nước ngoài, để có mức thu nhập hấp dẫn, mỗi sinh viên phải luôn cố gắng để trở thành nhân viên kế toán chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao thông qua việc chinh phục những chứng chỉ hành nghề kế toán do Nhà nước hay các cơ quan có thẩm quyền cấp như CPA, ACCA, ACA, CIMA, CIA,… Chứng chỉ hành nghề là một chứng cứ quan trọng để chứng minh khả năng nghề nghiệp và chuyên môn của một cá nhân trong ngành KTKT. Như vậy, sinh viên ngành KTKT cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, cần học tập tốt các học phần trong chương trình đào tạo của trường, tích cực tham gia các khóa đào tạo và các chứng chỉ quốc tế.
Thứ hai, phẩm chất cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.
Phẩm chất cá nhân là một trong yếu tố được dùng để đánh giá nhân sự trong một ngành nghề nhất định nào đó. Với ngành KTKT, sản phẩm cuối cùng để cung cấp những thông tin cho người sử dụng BCTC một cách trung thực và hợp lý, do đó nhân viên kế toán cần đảm bảo xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh một cách khách quan, thẳng thắn, trung thực và thận trọng nhất. Bởi nếu thông tin kế toán cung cấp không trung thực sẽ khiến cho người sử dụng thông tin đưa ra những quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của thị trường vốn,... Có bạn sinh viên đặt câu hỏi rằng: “kế toán là khuôn mẫu, vậy có cần sáng tạo không?”. Câu trả lời là với mỗi một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó, đều luôn cần có sự sáng tạo, bởi chỉ có sáng tạo mới có sự cải tiến và đạt hiệu quả cao hơn. Trong ngành Kế toán Kiểm toán, công việc của mỗi kế toán nhìn chung có thể giống nhau, nhưng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thì khác nhau trong mỗi loại hình doanh nghiệp, sự đa dạng của thực tiễn - có rất nhiều giao dịch phát sinh không được hướng dẫn trong các văn bản pháp luật, nên nhân viên kế toán cần linh hoạt, nhạy bén để vận dụng lý thuyết của chuẩn mực vào từng tình huống cụ thể, cần sáng tạo để đạt hiệu quả công việc.
Thứ ba, các kiến thức và kỹ năng khác.
- Kiến thức tin học và ngoại ngữ
Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần học tập nâng cao khả năng sử dụng công nghệ để ứng dụng vào công việc của mình, như ứng dụng các hàm tính exel, các phần mềm kế toán, phần mềm kê khai thuế,… Do đó, trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần học tốt các môn tin học văn phòng và môn thực hành kế toán máy. Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện có chi nhánh tại Việt Nam. Kế toán - Kiểm toán là một trong 8 ngành được tự do di chuyển trong khu vực, nên sinh viên ngành này có nhiều cơ hội sang làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều đó, sinh viên chuyên ngành này cần sử dụng tốt ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Sử dụng tốt ngôn ngữ quốc tế giúp các em tự tin khi giao tiếp, đọc, hiểu được các tài liệu bằng tiếng Anh và lập được BCTC bằng tiếng Anh. Việc sử dụng tốt ngôn ngữ này còn mang lại rất nhiều lợi ích tăng thêm, giúp sinh viên chủ động hơn, tự tin hơn, có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp hơn.
- Kết hợp kiến thức các ngành nghề khác.
Khi công nghệ thông tin có thể hỗ trợ công việc của kế toán thì kế toán sẽ giảm dần các công việc mang tính kỹ thuật. Thay vào đó, kế toán cần phải đầu tư hơn vào các công việc đòi hỏi việc xét đoán của con người, như tư vấn cho nhà quản trị doanh nghiệp về các cách đánh giá rủi ro, quản trị rủi ro và ra quyết định. Kế toán ngày càng cần có sự kết hợp kiến thức với các ngành nghề khác để tạo ra những người hành nghề kế toán có kiến thức chuyên môn đa dạng phục vụ nhu cầu ngày càng cao và phức tạp của xã hội. Do đó, sinh viên ngành kế toán kiểm toán ngoài những kiến thức ngành, tiếng Anh, Tin học, cần chuẩn bị thêm cho mình nhiều nhất có thể các kiến thức khác, như: kiến thức về pháp luật, kiến thức về tài chính,…
Ngoài các kiến thức chuyên ngành KTKT và các chuyên ngành khác, sinh viên cũng cần trang bị thêm những kiến thức chung về kinh tế - xã hội để nâng cao tầm hiểu biết và mở rộng vốn kiến thức của mình. Các bạn hãy đọc báo nhiều hơn, xem thời sự, nghe các bản tin kinh tế - xã hội,…
- Các kỹ năng mềm cần thiết
Sinh viên ngành KTKT cũng như sinh viên các ngành khác đều cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết để thích ứng với công việc và đạt hiệu suất tối đa. Các kỹ năng đó là:
+ Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi cá nhân trong công việc và cuộc sống, giúp bạn dễ dàng hòa đồng với các đồng nghiệp trong công ty, hợp tác tốt với các thành viên trong phòng ban, thuyết phục được khách hàng,…
+ Kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập: Kiểm toán viên thường làm việc theo nhóm khi đi gặp khách hàng hoặc đối tác và cần có sự chủ động tìm hiểu thông tin, giao tiếp với đồng nghiệp, cùng giúp đỡ nhau hoàn thiện để đạt hiệu quả công việc. Tuy nhiên, mỗi kế toán viên hay kiểm toán viên đều được phân chia một phần hành (công việc) cụ thể, nên mỗi cá nhân sẽ phải tự hoàn thiện và giải quyết phần việc của mình một cách độc lập.
+ Kỹ năng làm việc trong môi trường áp lực cao: Kế toán làm việc cả ngày với các con số, cân đối các con số, nên luôn đặt nhân viên kế toán vào trạng thái căng thẳng, áp lực, vì vậy bạn hãy rèn luyện sức khỏe, giữ tinh thần thật tỉnh táo để làm việc đạt hiệu quả cao.
+ Kỹ năng quản lý thời gian: Các nhân viên kế toán có rất nhiều việc vào giai đoạn cuối tháng, cuối quý và đặc biệt là cuối năm, vì đó là khoảng thời gian kế toán cần lập các báo cáo. Do đó, họ cần có kế hoạch, sắp xếp và quản lý tốt quỹ thời gian của mình để hoàn thành các phần việc theo đúng tiến độ đặt ra.
Ngoài ra, sinh viên cần trang bị thêm một kỹ năng nữa là kỹ năng networking (tạo dựng mối quan hệ). Trong thế giới mở như hiện nay, cơ hội công việc có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau và việc giao tiếp với những cộng đồng khác nhau sẽ mang lại nhiều lợi ích bất ngờ. Chúng ta có thể tham gia nhiều diễn đàn, các trang liên kết hội viên, các buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm,… Như vậy, chúng ta được gặp gỡ, kết nối với nhau và với những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Tin bài: Nguyệt Thương