Tiếp cận tín dụng của hộ gia đình nhằm phát triển sinh kế ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng

       Sinh kế được hiểu là tập hợp tất cả các nguồn lực và khả năng, tài sản, thu nhập và hoạt động cần thiết của con người để nhằm đảm bảo cuộc sống. Vốn tài chính trong phát triển sinh kế được hiểu là các khoản tiết kiệm, các khoản tín dụng và vay nợ (bao gồm nguồn chính thức và phi chính thức) và các khoản tiền khác, trong đó vốn vay được xem là nguồn vốn quan trọng nhất do sự đa dạng trong nguồn vay và khối lượng vốn lớn. Thiếu vốn được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt đầu tư cho sản xuất, nâng cao thu nhập của hộ gia đình và giảm đói nghèo. Vì vậy giới hạn mục tiêu của bài báo này sẽ tập trung nghiên cứu tiếp cận vốn tín dụng tại khu vực nông thôn.

 

                                                                                          NCS. Nguyễn Thị Bích Hằng

                                                                                    Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

              Các khái niệm về tiếp cận tín dụng nông thôn

       Nguồn cung tín dụng thông thường được chia ra làm ba nguồn chính: tín dụng chính thức, tín dụng bán chính thức và tín dụng phi chính thức. Trong đó, tín dụng bán chính thức chiếm một phần rất nhỏ, vì vậy, trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ không đề cập tới khu vực tín dụng bán chính thức này. Hai nguồn cung tín dụng còn lại bao gồm tín dụng chính thức và phi chính thức. Hai thị trường này tồn tại song song ở các khu vực nông thôn. Nguồn cung tín dụng chính thức bao gồm các ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng trong khi đó tín dụng phi chính thức bao gồm nguồn tiền từ người cho vay tại địa phương (vay với lãi suất cao), tín dụng hàng hoá thông qua mua chịu từ nhà cung cấp, các tổ nhóm tín dụng phi chính thức, hoặc nguồn vay từ bạn bè họ hàng.

       Các quan điểm về tiếp cận tín dụng nông thôn được đưa ra trong rất nhiều nghiên cứu. Tiếp cận tín dụng nông thôn được hiểu đơn giản là khả năng tiếp cận các dịch vụ tín dụng của các hộ nông dân và các thành viên của hộ (Zeller et al., 1996). Hiểu theo một cách rộng hơn, tín dụng nông thôn là việc các hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng cụ thể mà hộ có thể vay được, bên cạnh đó có nhiều nguồn khác nhưng không khả thi để hộ có thể vay. Khi đó khả năng tiếp cận vốn tín dụng được đo lường bằng số vốn lớn nhất mà hộ có thể vay (Diagne & Zeller, 2001). Một số nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng tiếp cận tín dụng chính thức cần được xem xét dưới hai góc độ: người đi vay và người cho vay (Zeller, 1994). Trong đó những yếu tố liên quan tới cầu tín dụng cung cấp những thông tin về rào cản khi nông hộ tiếp cận vốn, những yếu tố liên quan đến cung tín dụng sẽ quyết định tới số tiền mà nông hộ có thể vay. Hai góc độ này được đề cập đến trong hầu hết các nghiên cứu về tiếp cận tín dụng tại các nước đang phát triển.

              Các nhân tố ảnh hưởng tới tiếp cận tín dụng chính thức và phi chính thức tại một số quốc gia đang phát triển và Việt Nam

       Những nhân tố ảnh hưởng tới tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân trong nhiều nghiên cứu được xem xét dưới hai chủ thể chính của mối quan hệ tín dụng: người đi vay – hộ nông dân và người cho vay. Những nhân tố đến từ phía hai chủ thể này còn có thể được chia thành các nhân tố có thể quan sát được và các nhân tố không thể quan sát được.

       Nhóm nhân tố ảnh hưởng tới tiếp cận tín dụng chính thức còn có thể được chia thành các nhóm nhân tố có thể quan sát được và nhóm nhân tố không thể quan sát được. Các nhân tố có thể quan sát được là những nhân tố mang đặc điểm kinh tế xã hội và nguồn lực của hộ đã được đưa ra trong rất nhiều nghiên cứu ở nhiều quốc gia đang phát triển. Tuổi, số lượng lao động trong gia đình, thu nhập đều tác động tới khả năng tiếp cận tín dụng nông thôn của hộ (Gray, 2006; Hananu, Abdul-Hanan, & Zakaria, 2015). Trong nghiên cứu của Gan và cộng sự, độ tuổi được chỉ là yếu tố tác động mạnh nhất tới khả năng tiếp cận vốn của nông hộ, cụ thể đối tượng nông dân và ngư dân trẻ ít có khả năng tiếp cận vốn tại thị trường Philippines.

       Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng nông thôn cũng được tìm thấy ở trong một số nghiên cứu tại Việt Nam. Giáo dục, việc sở hữu đất nông nghiệp được chứng minh có tác động cùng chiều với mức độ tiếp cận vốn trong khi đó yếu tố tiết kiệm lại có tác động ngược chiều trong nghiên cứu tại nông thôn Việt Nam (Duy, D’Haese, Lemba, & D’Haese, 2012; Quach, 2005). Trong một nghiên cứu về tín dụng của trang trại nuôi trồng thuỷ sản tại tỉnh Trà Vinh, tác giả cũng đồng quan điểm với nhiều nghiên cứu trước về các nhân tố tác động tới khả năng tiếp cận tín dụng của hộ nông dân, cụ thể trình độ học vấn của chủ trang trại, tỷ lệ diện tích mặt nước nuôi, chi phí sản xuất có tác động trực tiếp tới lượng vốn tín dụng có thể vay được (Kết, 2009). Thủ tục vay vốn, địa vị xã hội của chủ hộ cũng là những yếu tố tác động tỷ lệ thuận với khả năng tiếp cận vốn chính thức của chủ hộ (Oánh, 2010). Trong một số nghiên cứu về tiếp cận tín dụng nông thôn ở một số tỉnh thành Việt Nam, tác giả chỉ ra rằng diện tích đất sử dụng và trình độ học vấn cũng như địa vị xã hội có ảnh hưởng mạnh tới khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức của các nông hộ ở Việt Nam (Đạt, 1998).

       Rất nhiều tác giả ở một số nước đang phát triển chủ yếu tập trung vào khả năng tham gia vào thị trường tín dụng của hộ gia đình hơn là số tiền mà hộ vay được, trong khi đó các tác giả Việt Nam thường đề cập đến cả hai vấn đề này.

             Tác động kinh tế xã hội của việc tiếp cận tín dụng tới sản xuất và thu nhập của hộ gia đình.

       Tiếp cận tín dụng có tác động kinh tế xã hội lớn tới nông hộ, cụ thể: tác động tới việc gia tăng sản lượng, gia tăng thu nhập và giảm đói nghèo (Malik & Nazli, 1999; Yadav & Sharma, 2015). Có nhiều tác giả đã chỉ ra rằng những hộ gia đình bị hạn chế tiếp cận tín dụng thường có sản lượng thấp hơn những hộ có thể tiếp cận tín dụng một cách đầy đủ (Guirkinger & Boucher, 2008).

       Trong số các tác giả nghiên cứu về thị trường tín dụng nông thôn Việt nam, tác giả Bảo Dương đề cập tới tác động của việc tiếp cận tín dụng tới sản lượng của hộ dân, tuy nhiên tác giả lại không phân định rõ ảnh hưởng của kênh tín dụng chính thức và phi chính thức (Bao Duong & Izumida, 2002). Trong nghiên cứu này, tổng diện tích đất nông nghiệp, số người phụ thuộc trong gia đình và vị thế thanh khoản của hộ quyết định tới sản lượng của hộ đối với những hộ gia đình bị hạn chế về tín dụng. Ngoài ra những hộ không bị hạn chế về tín dụng, thì các nhân tố như diện tích đất nông nghiệp, số người lao động trong gia đình, giáo dục có ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng hộ. Trong một nghiên cứu khác tại khu vực bắc trung bộ Việt Nam, tác giả chỉ đề cập tác động của tiếp cận tín dụng chính thức tới phúc lợi của hộ nông dân. Tác giả Đỗ Xuân Luân cũng tiến hành đo lường tác động của việc tiếp cận tín dụng tới thu nhập của nông hộ thông qua so sánh sự khác biệt giữa các nhóm hộ tiếp cận tín dụng và không tiếp cận tín dụng ở khu vực nghiên cứu, tuy nhiên tác giả này không thực hiện tách biệt giữa kênh tín dụng chính thức và phi chính thức (Luan & Bauer, 2016).

       Như vậy hầu như chưa có tác giả nào đề cập tới việc đo lường tác động riêng rẽ của hai kênh tín dụng chính thức và phi chính thức. Đây sẽ là một trong những đóng góp mới của đề tài vào tổng quan chung nghiên cứu của lĩnh vực này.

             Tiếp cận tín dụng của hộ gia đình nhằm phát triển sinh kế ở khu vực nông thôn Đồng bằng Sông Hồng

       Việt Nam được biết đến là một quốc gia đang phát triển với hơn 70% dân số sống tại vùng nông thôn, trong đó lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới hơn 50%. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn của các hộ gia đình tại nông thôn Việt Nam vẫn là một vấn đề khó khăn do bản chất của thị trường tín dụng và quy trình vay vốn. Thị trường tín dụng chính thức và phi chính thức tồn tại song song ở nông thôn Việt Nam, trong đó thị trường tín dụng phi chính thức thể hiện ưu thế hơn so với thị trường chính thức (Khoi, Gan, Nartea, & Cohen, 2013). Những hộ gia đình sống tại nông thôn thường có xu hướng thích vay vốn phi chính thức hơn là vay vốn chính thức. Trong một số nghiên cứu thực nghiệm, các rào cản tiếp cận thị trường vốn chính thức thường đến cả từ người đi vay và người cho vay. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (GSO, 2019), có 3,5% dân số Việt Nam sống dưới ngưỡng nghèo và hơn 4% ở tại ngưỡng nghèo quốc gia; trên 95% hộ nghèo, người nghèo sinh sống ở khu vực nông thôn. Khả năng tiếp cận vốn chính thức của các hộ nghèo thường rất khó do sự thiếu hụt về nguồn thu nhập và tài sản thế chấp.

       Đồng bằng Sông Hồng là khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình thuộc Bắc Bộ Việt Nam. Khu vực này tuy có diện tích nhỏ nhất trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam (đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long) nhưng lại có mật độ dân số lớn nhất. Ngoài ra đồng bằng sông Hồng còn là trung tâm kinh tế chính trị của Bắc Bộ Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội là thủ đô của Việt Nam. Mặc dù đồng bằng sông Hồng chỉ chiếm 5% diện tích nhưng có tới 38% dân số sống tại đây. Trong đó 80% dân số của đồng bằng sông Hồng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra 65% tổng sản phẩm nông nghiệp của cả nước (GSO, 2017).

       Tuy vậy chỉ mới có một số ít các bài viết đề cập tới tiếp cận tín dụng chính thức tại khu vực đồng bằng sông Hồng mà chưa đề cập đến tín dụng phi chính thức cũng như phân tích tương tác giữa hai bộ phận tín dụng này tại khu vực đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam. Từ những lý do trên, việc nghiên cứu tiếp cận tín dụng nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Hồng là một nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng cần thiết cho khu vực trong giai đoạn hiện nay.

       Nghiên cứu tập trung vào việc xác định các nhân tố ảnh hưởng tới tiếp cận vốn của các nông hộ Việt Nam, các tác động về mặt kinh tế xã hội của việc tiếp cận vốn tín dụng này tới đời sống và thu nhập của nông hộ. Từ đó, đưa ra các hàm ý chính sách và thực tiễn liên quan tới việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của nông hộ tại khu vực nghiên cứu.

             Các kết quả nghiên cứu dự kiến

       Ở khu vực nông thôn Việt Nam, cả hai loại hình tín dụng chính thức và phi chính thức đều tồn tại song song, trong đó thị trường tín dụng phi chính thức đóng vai trò bổ sung khi thị trường tín dụng chính thức không đáp ứng đủ nhu cầu của các nông hộ. Đã có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam về các nhân tố ảnh hưởng tới thị trường tín dụng chính thức, tuy nhiên các yếu tố quyết định tới việc lựa chọn tham gia vào thị trường tín dụng chính thức hay phi chính thức tại đồng bằng sông hồng chưa được đề cập và nghiên cứu rộng rãi. Vì vậy bài viết tập trung vào việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia vào thị trường tín dụng và sự lựa chọn nguồn cung cấp tín dụng của nông hộ cũng như nghiên cứu các tác động của việc tiếp cận tín dụng này tới sản lượng và thu nhập của hộ tại đồng bằng sông hồng. Từ đó đưa ra những hàm ý chính sách giúp tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chính thức của các hộ gia đình và giảm sự phụ thuộc vào tín dụng phi chính thức tại khu vực này. Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào tổng quan nghiên cứu về tiếp cận tín dụng hay tiếp cận vốn tài chính nằm phát triển sinh kế bền vững tại khu vực đồng bằng sông hồng nói riêng và khu vực nông thôn Việt Nam nói chung./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ahmad, N. (2011). Impact of Institutional Credit on Agricultural Output.

2. Akudugu, M. (2012). Estimation of the determinants of credit demand by farmers and supply by rural banks in Ghana’s Upper East Region. Asian Journal of Agriculture and Rural Development, 2(393-2016-23992), 189-200.

3. Bao Duong, P., & Izumida, Y. (2002). Rural Development Finance in Vietnam: A Microeconometric Analysis of Household Surveys. World Development, 30(2), 319-335. doi:https://doi.org/10.1016/S0305-750X(01)00112-7

4. Barslund, M., & Tarp, F. (2008). Formal and informal rural credit in four provinces of Vietnam. The Journal of Development Studies, 44(4), 485-503.

5. Bashir, M. K., & Azeem, M. M. (2008). Agricultural credit in Pakistan: Constraints and options. Pakistan Journal of Life and Social Sciences, 6(1), 47-49.

6. Bourdieu, P., & Richardson, J. G. (1986). Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. The forms of capital, 241, 258.

7. Chambers, R., & Conway, G. (1992). Sustainable rural livelihoods: practical concepts for the 21st century: Institute of Development Studies (UK), Discussion paper 296, Brighton, UK.

8. Das, T. (2018). Does credit access lead to expansion of income and multidimensional poverty? A study of rural Assam. International Journal of Social Economics, Volume 46, Issue 2, retrieved on Jan 3rd 2021, from Emerald database.

9. Diagne, A., Zeller, M., & Sharma, M. (2000). Empirical measurements of households' access to credit and credit constraints in developing countries: Methodological issues and evidence, Food Consumption and Nutrition Division Discussion Paper no. 90, International Food Policy Research Institute, Washington D.C., USA.

10. Dinh, Q. H., Dufhues, T. B., & Buchenrieder, G. (2012). Do connections matter? Individual social capital and credit constraints in Vietnam. The European Journal of Development Research, 24(3), 337-358.