Sáng ngày 14/10/2024, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và UBND huyện Tân Kỳ đã ký kết ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tham dự buổi làm việc và lễ ký kết về phía Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tương Dương có đồng chí Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ và các thành viên. Về phía Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có: TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trương Quang Ngân - Phó Hiệu trưởng; các thầy cô là trưởng các phòng, khoa, trung tâm.
Tại cuộc làm việc, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã giới thiệu về một số thành tựu Nhà trường đã đạt được trong những năm gần đây như: Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (NAUE) là thành viên của Mạng lưới các Tổ chức đảm bảo chất lượng Giáo dục đại học quốc tế INQAAHE; được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam; đạt tiêu chuẩn 3 sao Plus cấp Cơ sở giáo dục và 4 sao Plus cấp Chương trình đào tạo trên bảng xếp hạng UPM quốc tế; đạt chứng nhận kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT về Cơ sở giáo dục và Chương trình đào tạo. 05 chương trình đạo tạo đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục,…
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Văn Thực, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã giới thiệu tổng quát về huyện Tân Kỳ, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2024. Tân Kỳ là một huyện miền núi phía tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh hơn 200 km. Huyện có đường Trường Sơn đi ngang qua. Huyện lỵ là thị trấn Tân Kỳ. Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2022 đạt 44,2 triệu đồng, tăng 25,1 triệu đồng so với năm 2015. Huyện Tân Kỳ triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả. Đến nay đã có 16/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đã có 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP.
Đồng chí Nguyễn Văn Thực, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phát biểu
Tiếp đó, hai bên đã thảo luận và thống nhất một số nội dung hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ; Tư vấn hướng nghiệp phân luồng học sinh; Lĩnh vực văn hóa. Cụ thể tổ chức sớm tư vấn hướng nghiệp tại các trường Trung học phổ thông; Phối hợp trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp đào tạo nghề ngắn hạn; Phối hợp mở các lớp đào tạo dài hạn. Phối hợp hỗ trợ dự án Nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch; Kêu gọi các dự án giống và đầu tư cho Trung tâm giống cây trồng của huyện; Phối hợp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận của các đại biểu, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và kỳ vọng đối với mối quan hệ hợp tác lâu dài, trên tinh thần hợp tác vì mục tiêu phát triển chung của hai bên, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và UBND huyện Tân Kỳ thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình công tác, làm việc.
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và UBND huyện Tân Kỳ ký kết ghi nhớ hợp tác
Việc hợp tác này nhằm mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, đề án, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An.
Truyền thông NAUE