Hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ”

          Thực hiện kế hoạch 104-KH/Th.U của Đảng bộ thành phố Vinh về việc tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chuyên đề năm 2022 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chiều ngày 26/8/2022, Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ.

          Tham dự Hội nghị có: ThS. Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Trương Quang Ngân - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động và đảng viên trong toàn trường.

ThS. Nguyễn Đình Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường - báo cáo tại Hội nghị

          Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng cán bộ và công tác cán bộ. Người cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định. Người viết: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để hoạch định chính sách cho phù hợp. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ nghiên cứu đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, chính là quan điểm về con người với tính cách vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. 

          Người yêu cầu, Đảng cần tiếp tục làm tốt công tác cán bộ: từ việc xem xét, đánh giá đúng cán bộ, đến đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Về đánh giá cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải hiểu biết và đánh giá đúng cán bộ cả về đức và tài, về trình độ năng lực của mỗi cán bộ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, dễ gặp vướng mắc nhất nên không thể tùy tiện. Muốn vậy, công tác xem xét, đánh giá cán bộ phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả, chất lượng công việc làm nền tảng. Người luôn nhắc nhở: cán bộ lãnh đạo, quản lý khi xem xét, đánh giá cán bộ phải công tâm, tránh bệnh tự cao, tự đại, ưa nịnh hót, hoặc cảm tính, yêu ghét xuất phát từ lợi ích của người đánh giá; phải có phương pháp khách quan, toàn diện, xem xét cả quá trình phát triển của cán bộ. Trong quan điểm xem xét, đánh giá cán bộ, Người coi đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Về công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Người coi đây chính là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để làm việc nên nội dung huấn luyện phải rất cụ thể, tránh tình trạng học không thiết thực, học rồi không sử dụng được. Nguyên tắc huấn luyện là phải theo phương châm lý luận đi đôi với thực tế. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tiến hành toàn diện về chuyên môn nghề nghiệp, về lý luận, chính trị, văn hóa.... Về vấn đề cất nhắc, sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh coi đây là một nghệ thuật, là khâu trung tâm của công tác cán bộ. Người cho rằng, người lãnh đạo giỏi dùng cán bộ cũng như người thợ khéo dùng gỗ, phải nắm vững nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức của từng thời kỳ cách mạng, ở từng lĩnh vực khác nhau để có sự sắp xếp, điều động, điều chỉnh cán bộ cho phù hợp. Khi đánh giá đúng và bố trí công tác hợp lý cho cán bộ, phải tin cậy cán bộ, mạnh dạn giao việc để cán bộ chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải khéo kết hợp cán bộ ở các lứa tuổi, có trình độ năng lực, quá trình cống hiến khác nhau... 

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ là gốc của mọi công việc" những năm qua, Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế Nghệ An luôn coi trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và đạt được những kết quả quan trọng

          Công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế Nghệ An luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và triển khai thực hiện những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng; coi công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của trường, thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu, đảm bảo dân chủ, khách quan.

          Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta, là đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người - bí quyết thành công của sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, những giá trị tư tưởng đó đã trở thành những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Đối với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; đòi hỏi cấp ủy cần tiếp tục học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào tình hình thực tiễn của Đảng bộ trường.

          Thông qua Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất trong tổ chức, học tập, tuyên truyền chuyên đề làm cho cán bộ, đảng viên, giảng viên, nhân viên nhận thức sâu sắc nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập, làm theo Bác và nêu gương về tính tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh chính trị, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển Nhà trường trong sạch, vững mạnh toàn diên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường.

Tin bài: Ban Truyền thông

 

 


Bài viết khác