Trồng rau VietGAP, lợi nhuận tăng 40%

   Không chỉ tăng năng suất, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, đạt chứng nhận VietGAP còn tăng lợi nhuận bình quân khoảng 40%, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn.

Mô hình trồng rau đạt chứng nhận VietGAP ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

   Nhằm giúp bà con trồng rau có thu nhập ổn định cũng như đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai mô hình “Sản xuất rau hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP” trên địa bàn thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc).

   Đây là địa phương có diện tích rau màu khoảng 60ha, tập trung tại các khu phố Phú Cường, Phú Trường, Phú An. Thời gian qua, đây là nơi chuyên cung cấp nhiều loại rau phục vụ cho địa bàn TP Phan Thiết và các vùng lân cận.

   Mô hình có quy mô 15ha, 47 hộ tham gia, được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2024. Để triển khai mô hình, các hộ được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất rau theo hướng hữu cơ bằng việc sử dụng phân, thuốc sinh học nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với con người và môi trường. Đồng thời còn được trang bị kiến thức sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng như hướng dẫn hồ sơ, ghi chép thông tin điện tử để truy xuất nguồn gốc.

   Theo các hộ dân trồng rau, trước khi trồng, bà con được hướng dẫn xử lý đất và bón lót phân hữu cơ. Lượng phân hữu cơ bón lót 1.750kg/ha gồm 250kg phân hữu cơ vi sinh gốc và 1.500kg phân hữu cơ vi sinh. Trong quá trình chăm sóc rau, bà con hạn chế dùng phân, thuốc hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, vi sinh, còn việc phòng trừ sâu bệnh hại chỉ dùng thuốc sinh học. Bà con tưới nước định kỳ cho rau 3 lần/ngày và tuân thủ thời gian cách ly 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch sản phẩm.

   Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Từ đó giúp bà con giảm số lần phun thuốc BVTV, chất lượng rau được cải thiện. Rau ăn lá chiều cao cây trung bình đạt 18 - 26cm, rau gia vị đạt 40 - 50cm, năng suất rau các loại bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha/vụ.

    Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận tổ chức hội thảo đánh giá, nghiệm thu mô hình. Theo đó, các hộ tham gia mô hình đều tuân thủ quy trình sản xuất rau VietGAP, chú trọng bón lót phân hữu cơ vi sinh.

Rau ở mô hình cho lợi nhuận tăng hơn 40% so với ngoài mô hình.

    Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, năng suất rau ăn lá, rau gia vị bình quân trong mô hình tăng 12 - 15% và lợi nhuận bình quân tăng 40% so với ngoài mô hình. Đặc biệt, các mẫu rau (cải thìa, hành lá) được lấy mẫu phân tích không phát hiện dư lượng kim loại nặng, các vi sinh vật E.coli, Salmonella cũng như dư lượng thuốc trừ sâu các gốc clo hữu cơ, lân hữu cơ, cúc, carbamate. Điều này cho thấy trong canh tác các hộ trồng rau đã sử dụng nguồn nước tưới an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Từ đó tạo sản phẩm an toàn, mẫu mã, chất lượng sản phẩm tốt, duy trì được độ xanh, tươi lâu, được người tiêu dùng tin tưởng.

    “Hiện nay, Tổ sản xuất rau an toàn Phú Long đã được tổ chức chứng nhận FAO cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau quả tươi. Các sản phẩm rau VietGAP của Tổ sản xuất được tích hợp hệ thống truy xuất thông tin điện tử (tem dán mã QR code). Nhờ đó, trước mắt sản phẩm rau VietGAP của Tổ sản xuất đã được phân phối hàng ngày cho các trường học, siêu thị Coopmart. Về lâu dài, làng rau Phú Long sẽ hướng tới mở rộng toàn bộ diện tích hơn 50ha rau sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường và từng bước trở thành điểm đến xanh, du lịch canh nông ...”, ông Sơn chia sẻ.

     Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, nhờ việc bổ sung phân hữu cơ, kết hợp vôi bón lót đã làm tăng độ pH của đất trồng rau từ 4.0 lên 5.5, cũng như tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu giúp cải tạo đất rất tốt. Bên cạnh đó, mô hình cũng đã giúp bà con giảm 2 - 4 lần phun thuốc BVTV so với ngoài mô hình do ít sâu bệnh hại rau.

                                                               Theo báo Nông nghiệp Việt Nam


Bài viết khác