TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC SỐ HOÁ THƯ VIỆN, BÀI GIẢNG, TƯ LIỆU GIẢNG DẠY TRONG TRƯỜNG HỌC

 

 

Số hóa tài liệu là quá trình chuyển đổi tài liệu giáo dục từ dạng truyền thống (giấy, sách, bài giảng trực tiếp) sang dạng điện tử (định dạng số hóa). Quá trình này nhằm tạo ra các phiên bản điện tử của tài liệu giáo dục, cho phép truy cập, lưu trữ, chia sẻ và tương tác dễ dàng qua các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Công tác số hóa thư viện, bài giảng, và tài liệu giảng dạy là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Việc triển khai hiệu quả công tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người học và người dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến.

Thay vì phải sử dụng thư viện với những tủ sách khổng lồ và tìm kiếm tài liệu một cách khó khăn, đôi khi “ngụp lặn” mãi mà vẫn không tìm thấy tài liệu cần thiết, việc số hóa học liệu đào tạo sử dụng ứng dụng và môi trường công nghệ số để lưu trữ dữ liệu sẽ mang lại nhiều lợi ích như:

- Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin: Học sinh và giáo viên có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập và sử dụng tài liệu, bài giảng từ bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào thông qua các thiết bị điện tử. Số hóa tạo điều kiện cho việc chia sẻ tài liệu, bài giảng giữa các trường học, giáo viên và học sinh, thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi kiến thức. 

- Tăng cường tính tương tác và trải nghiệm học tập: Học liệu số thường kết hợp các phương tiện đa phương tiện như video, âm thanh, hình ảnh, đồ họa động, giúp bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu hơn, đồng thời tạo ra môi trường học tập tương tác và thú vị. Số hoá giúp tạo ra môi trường học tập nơi mà mọi thứ kết nối với nhau. Sự kết hợp mới mẻ của công nghệ, bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập, đồng thời tăng cường sự tương tác của mọi người. Giáo viên có thể tích hợp tài liệu số vào bài giảng trực tuyến, bài tập tương tác và mô phỏng thực tế. Thúc đẩy việc học tập chủ động, cá nhân hoá nội dung theo năng lực từng học sinh.

- Tiết kiệm chi phí và tài nguyên: Việc số hóa giúp giảm thiểu nhu cầu lưu trữ tài liệu giấy, sử dụng mực in, tiết kiệm không gian và chi phí bảo quản, chi phí vận chuyển và lưu trữ tài liệu truyền thống, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cho cả Nhà trường và học sinh.

- Tối ưu hóa quá trình quản lý và chia sẻ tài liệu: Thư viện số giúp quản lý, lưu trữ và chia sẻ tài liệu một cách hiệu quả, dễ dàng cập nhật thông tin mới và đảm bảo tính chính xác của tài liệu. Hệ thống quản lý tài liệu điện tử cho phép tìm kiếm tài liệu theo từ khóa, tên tệp, hoặc nội dung, tiết kiệm thời gian so với việc tìm kiếm tài liệu giấy. Toàn bộ tài liệu được số hóa có thể được lưu trữ trên một hệ thống duy nhất, dễ dàng phân loại, sắp xếp và quản lý. Dữ liệu số có thể được mã hóa và phân quyền truy cập, giúp bảo vệ tài liệu khỏi các truy cập trái phép. 

- Hỗ trợ học tập từ xa và học tập suốt đời: Số hóa tài liệu giúp học sinh có thể tiếp tục học tập mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt trong bối cảnh học tập từ xa ngày càng phổ biến. Tài liệu số hóa có thể dễ dàng truy cập qua internet, giúp sinh viên, học viên ở bất kỳ đâu đều có thể tiếp cận tài liệu học tập, tham gia các khóa học trực tuyến, và tương tác với giảng viên, bạn bè. Việc số hóa tài liệu giúp lưu trữ và bảo quản tài liệu lâu dài, tạo điều kiện cho việc học tập, nghiên cứu, và tra cứu kiến thức mọi lúc, mọi nơi, suốt đời.

Nhiều trường học ở Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động số hóa tài liệu để nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, việc số hóa và chuyển đổi số trong giáo dục vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, và đào tạo đội ngũ giáo viên. Mặc dù vậy, Nhà trường vẫn cần phải xác định được tầm quan trọng của công tác số hoá thư viện, bải giảng, tư liệu giang dạy trong trường học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và tối ưu hóa quá trình học tập. Chính vị vậy, công tác số hoá thư viện, bài giảng và tư liệu giảng dạy trong trường học không chỉ là xu hướng mà còn là bước đi thiết yếu để nâng cao chất lượng giáo dục hiện đại.

Đưa tin: Trung Tâm Số và Học liệu, Trường Đại học Nghệ An