Những lợi ích không ngờ tới từ quá trình thực tập giáo trình ngành Thú y

  Trong chương trình đào tạo ngành thú y thường có từ 2 đến 3 đợt thực tập giáo trình, kéo dài từ 2 tháng rưỡi tới 3 tháng. Liệu các chuyến đi dài này có mang lại lợi ích gì cho sinh viên?

     Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho bạn 5 lợi ích không ngờ từ quá trình thực tập giáo trình ngành Thú y

1. Thực tập giáo trình là một cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp tương lai trong thời gian học.

    Trong thời gian thực tập giáo trình, sinh viên sẽ được sống và trải nghiệm cuộc sống của những công nhân, kỹ sư trong các trang trại chăn nuôi hoặc các bác sĩ thú y tại địa phương hay phòng khám thú cưng. Nếu thực tập giáo trình ở trang trại, bạn sẽ được cách ly trước khi vào trại, sau đó tham gia vào các hoạt động chuyên môn của trại như cho ăn, đỡ đẻ cho lợn, chọn lọc lợn giống,..., hoặc các hoạt động ngoài chuyên môn như làm vườn, các hoạt động nhân dịp lễ, tết,.... Tương tự như vậy, ở các phòng khám thú cưng, ngoài việc phòng và chữa bệnh cho thú cưng, ở phòng khám còn có các dịch vụ chăm sóc cho thú cưng như tắm, cắt, tỉa lông, bán đồ ăn, đồ chơi, đồ trang trí cho thú cưng,... Thông qua các hoạt động thường ngày ở nơi thực tập sẽ dần hình dung được công việc trong tương lai của mình, từ đó xác định xem công việc ở đó có phù hợp với mình hay không để có thể đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình thực tập giáo trình sẽ giúp bạn nhận ra những thiếu sót của bản thân để có thể theo đuổi nghề nghiệp mong muốn, từ đó có phương án học tập, bồi dưỡng năng lực bản thân phù hợp.

2. Thực tập giáo trình giúp củng cố, nâng cao các kiến thức lý thuyết đã học ở trường

       Thực tập giáo trình là cơ hội để sinh viên được củng cố những kiến thức lý thuyết đã học ở trường từ các môn học như Chăn nuôi lợn, Sinh sản gia súc, Dược lý học thú y, Độc chất học thú y,... Khi đến các địa điểm thực tập giáo trình, tham gia vào hoạt động chăn nuôi, điều trị tại đó sinh viên sẽ dễ dàng hiểu được lý do tại sao họ lại thực hiện kỹ thuật như vậy. Ví dụ: Ở trang trại, để tăng hiệu quả thụ tinh nhân tạo, thường người ta sẽ tiến hành thụ tinh nhân tạo từ 2 đến 3 lần cho con nái, giảm tỷ lệ thụ tinh không đạt, tăng hiệu quả kinh tế.... Ngoài ra, ở các địa điểm thực tập giáo trình, sinh viên có thể được học thêm kinh nghiệm chăn nuôi thực tế của các bậc tiền bối đi trước. Ở một số vùng, do điều kiện địa lý khác nhau nên nguy cơ mắc bệnh khác nhau, do đó các loại vắc xin sẽ được tiêm phòng theo lịch khác nhau, phác đồ điều trị cũng khác nhau đối với cùng một bệnh. Ngoài ra, trong quá trình thực tập, công ty luôn có các đợt tập huấn chuyên môn riêng. Đây cũng là cơ hội để sinh viên được tham gia học tập, cập nhật kiến thức mới cùng các đồng nghiệp, những kiến thức này đa số là kiến thức nội bộ dành cho nhân viên, không phải ai cũng có cơ hội được học tập. Đây chính là yếu tố giúp sinh viên nâng cao kiến thức lý thuyết đã học ở trường.

3. Thực tập giáo trình là cơ hội rèn luyện tay nghề miễn phí

     Trong khi thực tập giáo trình, khi được tiếp xúc hằng ngày với việc chăm sóc, điều trị cho vật nuôi, bạn sẽ dần nắm được các bước để thực hiện các kỹ thuật chăm sóc vật nuôi thông thường như đỡ đẻ, bấm nanh, mổ hecni, thiến, lấy ven, tiêm, truyền,...cho vật nuôi. Sau khi nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật, các bạn sẽ được thực hành các kỹ thuật này hàng ngày. Việc thực hành liên tục trong thời gian dài giúp trang bị cho sinh viên những kỹ năng thành thạo về bệnh ngoại khoa, từ đó nâng cao kiến thức cho vật nuôi. Đây chính là cơ hội rèn luyện tay nghề mà không mất một khoản học phí nào cả.

4. Thực tập giáo trình là cơ hội để bạn có thể đi du lịch miễn phí. giao lưu, tìm hiểu về các nét văn hóa ở nhiều vùng miền khác nhau

     Các địa điểm thực tập giáo trình thường không chỉ nằm ở trên địa bàn thành phố Vinh, trong tỉnh Nghệ An mà còn mở rộng khắp nơi trên cả nước. Trường có liên kết với nhiều trang trại và công ty trong lĩnh vực thú y. Gần đây nhất, lớp Thú y Khóa 8 được chia ra thực tập ở nhiều trang trại của công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam ở các khu vực như Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Lai,... Ở đây, sinh viên được tiếp xúc và làm việc với các đồng nghiệp tới từ nhiều tỉnh trong nước, có cả người dân tộc thiểu số. Mỗi vùng miền có tập quán, phong tục, văn hóa khác nhau. Việc được tiếp xúc và làm quen với nhiều người từ các vùng miền khác nhau giúp sinh viên cảm nhận thêm được sự đa dạng của văn hóa nước ta. Đồng thời, mỗi tháng các bạn đều có cơ hội được nghỉ phép, đây chính là cơ hội để tham quan, du lịch khám phá vùng miền, ẩm thực địa phương.

5. Thực tập giáo trình giúp xây dựng các mối quan hệ có ích cho việc đi làm sau này

       Trong quá trình thực tập giáo trình, sinh viên còn được gặp các “bậc tiền bối”, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau trong ngành chăn nuôi thú y. Nếu vận dụng tốt việc làm quen, và kết bạn có thể giúp cho công việc sau này được thuận lợi. Đây là cơ hội để sinh viên có thể mở rộng quan hệ, tăng cường kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống.

Ngoài ra, ở một số địa điểm thực tập giáo trình còn có hỗ trợ kinh phí cho sinh viên. Nên nếu bạn tiết kiệm, sau quá trình thực tập bạn sẽ có một số vốn nhỏ mang về để trang trải học phí và sinh hoạt đỡ đần cho gia đình.

        Thực tập giáo trình vừa là cơ hội, vừa là thử thách đối với sinh viên khi đem kiến thức từ lý thuyết áp dụng vào thực tế. Có thể quá trình thực tập còn nhiều khó khăn nhưng điều này sẽ giúp sinh viên có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp thông qua việc trải nghiệm trong thời gian ngắn là vài tháng trong khi học, tránh lãng phí thời gian do việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp sau khi tốt nghiệp. Sức mạnh của tuổi trẻ là nhiệt huyết, hãy thử sai khi còn có thể, từ đó bạn sẽ rút ra được lựa chọn phù hợp cho bản thân. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, nhưng chuyến đi thực tập giáo trình mang về cho bạn không chỉ là kỷ niệm mà còn thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, bạn bè, kỹ năng sống học tập và làm việc. Đó là một số lợi ích không ngờ mà mình nhận được từ chuyến đi thực tập giáo trình vừa qua. Bạn hãy tự mình trải nghiệm để khám phá và cảm nhận thêm nhé.

                                  Truyền thông Nông Lâm Ngư