Nông nghiệp công nghệ cao - giải pháp tối ưu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp

    Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp tiên tiến, áp dụng những công nghệ mới và hiện đại để tối ưu hóa sản xuất. Mục tiêu chính là tăng cường hiệu suất, nâng cao chất lượng nông sản và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời đảm bảo sự bền vững trong phát triển nông nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao mang đến nhiều lợi ích vượt trội

    Mặc dù nông nghiệp công nghệ cao đã không còn là khái niệm xa lạ trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn đang trong giai đoạn phát triển với sự quan tâm của Chính phủ và sự đầu tư từ các doanh nghiệp sản xuất. Đây là xu hướng mà Việt Nam đang hướng tới, hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp của đất nước sang một bước tiến vượt bậc.

    Công nghệ cao đã được tích hợp và áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm: Công nghiệp hoá nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu trong quy trình sản xuất như thu hoạch, xử lý và chế biến thức ăn...); Tự động hóa; Công nghệ thông tin; Sử dụng các vật liệu tiên tiến; Sáng tạo các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao và chất lượng tốt, cùng với việc áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến và hữu cơ để tối ưu hóa hiệu suất kinh tế ở mỗi đơn vị sản xuất.

     Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng các đổi mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được xem là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp, giúp giải quyết những thách thức bằng nhiều công nghệ ưu việt như: Công nghệ sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giảm giá thành, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, nông nghiệp công nghệ cao cũng mang lại sự tự chủ cho nông dân trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề về tính mùa vụ, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết và khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường đề ra đối với chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao tối ưu hóa hiệu suất kinh tế cây trồng.

Phát triển nông nghiệp chất lượng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

     Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay tỉnh có tổng cộng 190.266 ha đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 722 ha (chiếm 0,38% tổng diện tích đất nông nghiệp) được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ.

    Thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tiến hành quy hoạch và từng bước xây dựng các vùng sản xuất chuyên biệt, áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Việc truyền đạt kiến thức khoa học và công nghệ mới cũng đang được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu suất tốt, như trồng rau và dưa lưới trong nhà màng với hệ thống tưới tự động và tưới nhỏ giọt kết hợp sử dụng phân bón; quản lý sâu bệnh bằng biện pháp sinh học.

    Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang đã hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện phía Tây và phía Đông với tổng diện tích lên đến gần 51 ngàn ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số cơ sở đã đầu tư và áp dụng công nghệ chuồng lạnh, sử dụng phần mềm tự động điều khiển hệ thống cho ăn, thu gom trứng và phân bón, cũng như sử dụng hệ thống sấy phân.

     Tuy nhiên, việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Tiền Giang, hiện vẫn chủ yếu tập trung vào quy mô hộ gia đình và hợp tác xã, thiếu quy trình canh tác chuẩn. Bên cạnh đó, việc mở rộng mô hình này còn gặp nhiều thách thức vì sự thiếu tin tưởng từ người tiêu dùng, do khó phân biệt giữa nông sản hữu cơ và nông sản truyền thống, cũng như sự thay đổi trong cách sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và hữu cơ đòi hỏi thời gian dài để thực hiện.

      Tại Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố đã phát triển được tổng cộng 285 mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Trong đó, có 185 mô hình tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình liên quan đến chăn nuôi, 54 mô hình chuyên về thủy sản và 1 mô hình kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đóng góp khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố. Thành phố đang đặt mục tiêu tới năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp.

Hà Nội chú trọng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

     Công nghệ cao đã được ứng dụng rộng rãi ở mọi lĩnh vực của nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bao gồm: Sử dụng công nghệ Internet of Things (IoT) để kết nối mọi vật thể, từ cảm biến đến thiết bị, để theo dõi và quản lý các quy trình nông nghiệp hiệu quả hơn; Áp dụng công nghệ canh tác không sử dụng đất, giúp tối ưu hóa sử dụng không gian và tài nguyên đất đai; Sử dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo tính minh bạch và an toàn thực phẩm; Áp dụng công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản, giúp quản lý nước và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển cho thuỷ, hải sản.

      Tuy nhiên, tại Hà Nội, việc sản xuất nông nghiệp sử dụng công nghệ cao vẫn chỉ tập trung vào từng khâu cụ thể, chưa thực hiện một cách đồng bộ. Các quy trình canh tác tiên tiến như quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa và công nghệ sinh học cũng chưa được triển khai một cách toàn diện. Công nghệ cao thường chỉ tập trung vào một số khâu như áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, và việc canh tác cây trồng trong nhà màng hoặc nhà lưới. Trong khi đó, các giai đoạn thu hoạch, bảo quản, và chế biến vẫn sử dụng công nghệ thủ công và lạc hậu, dẫn đến hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

     Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở đô thị Hà Nội còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh còn thấp, không tương xứng với mức độ đầu tư. Đầu tư vào công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực và vốn lớn, nhưng quá trình thu hồi lợi nhuận diễn ra chậm chạp. Mặc dù thành phố Hà Nội đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã đạt được một số thành công nhất định, thế nhưng những kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng và vị thế của Thủ đô.

Cần hoàn thiện cơ chế và chính sách

    Các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu và cải thiện cơ chế và chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, phải quan tâm đến cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nông dân trong lĩnh vực này, bao gồm nguồn vốn, quản lý đất đai dựa trên nguyên tắc thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, và tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục hành chính. Đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu; chuyển giao công nghệ để cải thiện năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

    Đặc biệt, cần tập trung vào việc tổ chức và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, cả trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao có thể là lợi thế để Việt Nam cải thiện thương hiệu và uy tín trên thị trường quốc tế, từ đó tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.

     Để sẵn sàng và tích cực tham gia vào quá trình triển khai Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp, không thể không nhắc đến IoT - một thành phần đóng vai trò quan trọng. Mặc dù, IoT nghe còn khá mới mẻ, nhưng thực tế, công nghệ này đã tiếp cận đến hầu hết các khía cạnh trong xã hội (bao gồm hành chính, thương mại, tiếp thị, công nghiệp, sản xuất,...) và đương nhiên, IoT đã và đang chứng tỏ tầm quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

     Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần tập trung vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này. Các dự án triển khai IoT trong nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng cần thiết, Việt Nam cần phải có kế hoạch chi tiết và điều chỉnh linh hoạt nếu thực sự muốn bắt kịp thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0.

                                  Hoàng Xuân Quỳnh (Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông)


Bài viết khác