Tuyển sinh đại học năm 2024: Đơn giản hóa phương thức xét tuyển

     Về công tác tuyển sinh năm 2024, Bộ GDĐT yêu cầu các trường hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh

Công bố sớm phương thức xét tuyển

     Nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm tới chủ động có phương án phù hợp nhất, hiện một số trường đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2024.

    Năm 2024, Trường Đại học Thương mại dự kiến đưa vào tuyển sinh 8 chương trình theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế gồm: Quản trị kinh doanh; Quản trị khách sạn; Marketing thương mại; Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế; Logistics và xuất nhập khẩu; Thương mại quốc tế; Tài chính – Ngân hàng thương mại; Quản trị nhân lực doanh nghiệp.

     Nhà trường cũng dự kiến đưa thêm 2 chương trình đào tạo chuẩn gồm: Công nghệ tài chính ngân hàng và Kinh doanh số.

     Hai Đại học: Quốc gia Hà Nội và Bách khoa Hà Nội cũng đã thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024.

    Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023. Dự kiến, đợt thi sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 23 và 24/3; đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/6. Thí sinh đăng kí dự thi từ tháng 2/2024 và được đăng kí tối đa hai lượt mỗi năm, thời gian giữa hai đợt tối thiểu 28 ngày.

    Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024, tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác xét tuyển. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 2 - 3/12/2023; đợt 2 từ ngày 20 - 21/1/2024; đợt 3 từ ngày 9 - 10/3/2024; đợt 4 từ ngày 27 - 28/4/2024; đợt 5 từ ngày 8 - 9/6/2024; đợt 6 từ ngày 15 - 16/6/2024.

     Thông tin mới về công tác tuyển sinh năm 2024, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lí Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, phương hướng tuyển sinh năm 2024 và từ năm 2025, về cơ bản, nhà trường sẽ giữ ổn định chỉ tiêu cũng như phương thức xét tuyển như năm 2023.

      Trường sẽ dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng xét tuyển kết hợp lên 80%, tuyển thẳng 2%.

      Trường cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp nhằm thực hiện quy định của Bộ GDĐT mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Dự kiến từ năm 2025, Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành.

Tránh gây phiền hà người học

    Về công tác tuyển sinh năm 2024, Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

     Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Bộ GDĐT yêu cầu các trường hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu. Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

     Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

     Đây không phải là năm đầu tiên Bộ GDĐT lưu ý các trường về vấn đề này. Trước đó, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục đại học, Bộ GDĐT cũng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

     Nhìn lại mùa tuyển sinh 2022, theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, một số phương thức tuyển sinh có lượng thí sinh nhập học chỉ dưới 1%, thậm chí ghi nhận 0%. Việc đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh được các cơ sở giáo dục đại học cho rằng tạo thuận lợi cho người học tuy nhiên, với những phương thức không hiệu quả, không có thí sinh nhập học… có phần gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh và xã hội.

     Trong cơ chế tự chủ và cạnh tranh tuyển sinh như hiện nay, các trường đại học có xu hướng đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh để thu hút người học nhưng TS Nguyễn Phi Long – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nếu các trường không truyền thông tốt thì nhiều thí sinh khó tiếp cận, thậm chí không tiếp cận được với các phương thức tuyển sinh đấy. Vì vậy, các trường nên ưu tiên sử dụng và dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh truyền thống.

      Nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra, một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 29 đặt ra là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

      Thế nhưng thực tế tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, TS Lê Viết Khuyến đánh giá, việc tuyển sinh đại học, thi tốt nghiệp THPT vẫn còn rắc rối, phiền hà người học. Một trong những rắc rối, phiền hà đó là các trường đại học đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Việc này đã tồn tại không chỉ mùa tuyển sinh năm nay mà một vài mùa tuyển sinh trước đó.

      Dù luật cho phép các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh song TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm: "Bộ GDĐT cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lí Nhà nước, không nên buông lỏng mà nên duyệt các phương án tuyển sinh chặt chẽ hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29".

                                                                       Hoàng Tiến (Theo Tạp chí giáo dục)


Bài viết khác