Nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

I. Đặt vấn đề

Dạy học trực tuyến (hay còn gọi là e-learning) là phương thức học ảo thông qua máy vi tính, điện thoại thông minh nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác. Giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN).

Học trực tuyến là một trong những mô hình học tập tiên tiến và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp và có thể khó kết thúc trong tương lai. Cho nên, dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu để thích ứng với tình hình mới.

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là một trong những cơ sở giáo dục Đại học triển khai hình thức đào tạo trực tuyến ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, nhằm góp phần thực hiện kế hoạch đào tạo đúng tiến độ và đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh.

Trong năm học 2020-2021 và đợt 1 kỳ 1 năm học 2021-2022, việc học trực tuyến của nhà Trường được thực hiện bằng phần mềm Zoom meetting để giảng viên và sinh viên có thể triển khai hoạt động học tập trực tuyến theo thời khóa biểu được bố trí trong lịch trình học tập trên trang thông tin điện tử của Trường. Nhưng bắt đầu vào học đợt 2 kỳ 1 năm học 2021-2022, việc đào tạo trực tuyến được thực hiện bằng phần mềm Microsoft Teams. Việc sử dụng tài khoản của nhà trường cung cấp giúp cho giảng viên và sinh viên có thể đăng nhập vào hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến một cách đồng bộ và có kiểm soát, tạo thuận lợi cho công tác quản lý dạy-học trực tuyến của nhà Trường được tốt hơn.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi hình thức học tập truyền thống sang học tập trực tuyến đã tạo ra không ít những khó khăn, thách thức đối với nhà Trường, giảng viên và sinh viên.

Nhìn chung, qua các đợt triển khai học tập trực tuyến tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An trong thời gian từ năm 2020 đến nay, hầu hết giảng viên và sinh viên đã dần thích nghi với hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, giáo viên và sinh viên vẫn cho rằng bản thân còn gặp phải một số khó khăn và rào cản nhất định trong quá trình dạy học trực tuyến.

Bài viết này mong muốn góp phần làm rõ những khó khăn mà giảng viên và sinh viên gặp phải khi dạy học trực tuyến. Qua đó, đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến trong thời gian tới tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

II. Một số khó khăn trong việc dạy học trực tuyến

Trong quá trình dạy học trực tuyến, mặc dù đã có sự chuẩn bị và thích nghi kịp thời, song hoạt động đào tạo trực tuyến vẫn gặp phải một số khó khăn đối với giảng viên và sinh viên. Nêu những khó khăn ra thì nhiều, nhưng chung quy lại là do các yếu tố chủ quan và khách quan gây ra. Cụ thể:

Yếu tố chủ quan:

Để tham gia dạy học trực tuyến một cách hiệu quả, giảng viên và sinh viên cần có một mức độ thành thạo công nghệ nhất định và phương pháp giảng dạy, học tập phù hợp khi tham gia vào các lớp học và tương tác trên không gian mạng. Trong các lớp học truyền thống, quá trình truyền đạt, tiếp nhận thông tin được diễn ra trực tiếp và nhanh chóng, giảng viên, sinh viên có thể trực tiếp phản hồi và nêu ý kiến. Sự tương tác trực tiếp này giúp quá trình học tập dễ dàng hơn, phong phú và dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức dạy học trực tuyến đã khiến cho người dạy, người học gặp nhiều khó khăn do thiếu một số kỹ năng cần thiết trong hoạt động dạy và học trực tuyến.

Thực tế cho thấy: Một số sinh viên thiếu kỹ năng tương tác với giảng viên. Một số giảng viên còn hạn chế kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với dạy học trực tuyến. Và đáng chú ý hơn là sinh viên có tâm lý chán nản, không hứng thú với việc học trực tuyến. Có thể nói, trạng thái tinh thần của sinh viên trong quá trình học cũng phản ánh hiệu quả dạy học trực tuyến. Việc học trực tuyến trong thời gian dài, sinh viên phải dành nhiều thời gian trước màn hình máy tính, thiếu giao tiếp giữa giảng viên với sinh viên, dẫn đến tâm lý mệt mỏi của phần lớn sinh viên. Ngoài ra, lịch học trực tuyến phụ thuộc vào tình hình dịch Covid 19, nên sinh viên nghĩ học trực tuyến chỉ để khỏa lấp thời gian chống dịch, tạo tâm lý không ổn định. Do đó, việc sinh viên cảm thấy chán nản, không hứng thú là một trong những nhược điểm lớn nhất của người học trực tuyến. Việc thiếu các mối quan hệ trực tiếp ngăn cản sự tương tác trong quá trình học tập, điều này có thể khiến sinh viên cảm thấy thiếu động lực học tập. Do đó, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của sinh viên. Vì: tâm lý được xem là yếu tố cốt lõi và đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến hiệu quả học tập. Do vậy, yếu tố tâm lý của người học cần được xem xét và chú ý hơn trong thời gian tới.

Yếu tố khách quan:

Khi tham gia giảng dạy trực tuyến, các thiết bị và không gian hỗ trợ học tập được xem là một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên. Trong đó, việc đường truyền mạng và kết nối internet không ổn định là khó khăn của hầu hết sinh viên khi tham gia học tập trực tuyến. Đối với sinh viên khi tham gia học tập trực tuyến, kết nối internet ổn định là điều kiện tiên quyết đối với việc học của bản thân. Đường truyền internet yếu sẽ ảnh hưởng đến rất lớn đến việc giảng dạy của giáo viên và theo dõi, tiếp thu kiến thức của sinh viên trong các buổi học. Bên cạnh đó, những khó khăn khác về điều kiện học tập như không gian địa điểm học tập bất lợi hoặc phương tiện học tập không đảm bảo đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập trực tuyến của sinh viên. Cụ thể, khi học tập tại nhà, môi trường xung quanh nhà có nhiều tiếng ồn hoặc không có phòng học riêng, phải sử dụng không gian chung của gia đình để học nên có người qua lại nhiều… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập trực tuyến của sinh viên.

III. Nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến trong thời gian tới

Dạy học trực tuyến hiện nay đang chịu nhiều yếu tố tác động (Chủ quan và khách quan), ảnh hưởng đến hoạt động học tập trực tuyến của sinh viên. Nhìn chung, nguyên nhân chính được chỉ ra là do vấn đề kết nối internet, kỹ năng học tập và một số biểu hiện liên quan đến yếu tố tâm lý trong quá trình học tập của sinh viên.

Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp như sau:

 1. Đối với Nhà Trường

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn giảng viên, sinh viên và các khoa, phòng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt và sáng tạo, triển khai hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, có chất lượng phù hợp bối cảnh của Nhà Trường.

Tiếp tục nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của các phương thức dạy học mới, bao gồm ứng dụng công nghệ giáo dục trong lớp học, ứng dụng các phần mềm trong phương pháp dạy học trực tuyến.

Các khoa và tổ chuyên môn cần chủ động điều chỉnh, tinh giản nội dung, thay đổi phương thức để phù hợp hơn nữa trong dạy học trực tuyến.

Quan tâm đến việc trang bị cho sinh viên kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ hoạt động học tập. Có những chính sách hoặc hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên kịp thời nhằm đảm bảo việc học của sinh viên không bị gián đoạn, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sống ở khu vực vùng sâu vùng xa khó tiếp cận và kết nối với mạng internet.

Xây dựng hệ thống đề thi, ngân hàng câu hỏi; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của sinh viên phù hợp với tình hình mới nhằm tăng độ tin cậy, tạo động lực và hứng thú trong học tập cho sinh viên.

2. Đối với giảng viên

Nâng cao hiệu quả của dạy học trực tuyến bằng cách thay đổi trong phương thức giảng dạy. Giảng viên tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, giảng viên cần tăng cường tương tác và trao đổi với sinh viên để tạo tâm lý thoải mái và cảm giác thích thú cho người học. Nghĩa là, giảng viên cần đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và lồng ghép nhiều hoạt động trong chương trình giảng dạy để tạo hứng thú học tập của sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên trình bày và chia sẻ quan điểm của bản thân. Tránh việc vô ý tạo ra áp lực (Thời gian và nội dung) cho sinh viên vì áp lực sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập. 

3. Đối với sinh viên

Sinh viên cần chuẩn bị tâm lý, tâm thế sẵn sàng, trang phục nghiêm túc khi tham gia học trực tuyến và chuẩn bị đầy đủ thiết bị học tập như điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, tai nghe và giáo trình.

Sinh viên chọn cho mình góc học tập, không gian yên tĩnh thoải mái phù hợp với ngôi nhà của mình. Trong quá trình học tập cần chú ý lắng nghe, tham gia thảo luận và đóng góp tích cực vào bài họ. Để làm được như vậy sinh viên cần chủ động đọc bài, soạn bài trước mỗi tiết học, buổi học. Cần rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu. Tập thói quen lên lớp trước 10 phút để tương tác, trao đổi với giảng viên và các bạn tạo tâm lý thoải mái và gắn kết trong lớp học.

Ngoài ra, sinh viên cần tạo nhóm học tập trên Zalo, Facebook để chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài học. Chú ý tắt một số tính năng trên thiết bị gây ảnh hưởng đến giờ học. Điều đó sẽ mang lại cho bản thân người học nhớ lâu hơn về kiến thức.

Tóm lại, dạy học trực tuyến chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên.

IV. Kết luận

Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động rất lớn đối với giáo dục Đại học bởi quá trình chuyển đổi gần như hoàn toàn từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là biện pháp kịp thời ứng phó và khắc phục những gián đoạn cho ngành giáo dục nói chung và Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói riêng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong tương lai, khi việc dạy học trực tuyến được khẳng định là hình thức dạy học chính như hình thức dạy học truyền thống (dạy học trực tiếp), điều này đồng nghĩa với việc phải tính đến các giải pháp và kế hoạch dài hạn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả dạy học. Do đó, xác định rõ những khó khăn và đề ra được những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến được xem là cần thiết để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao hơn nữa chất lượng học tập trực tuyến trong tương lai../.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ngô Thị Lan Anh, Hoàng Minh Đức. (2020). Đào tạo trực tuyến trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng. Tạp chí công thương.

2. Vũ Hữu Đức. (2019-2020). Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin  (E-learning) trong giáo dục đại học và đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng MOOCs (Massive Online Open Courses): Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam. Đề tài NCKH cấp Quốc gia, mã KHGD/16-20.ĐT.043.

3. Lê Thị Mai Hoa (2021). Dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch Covid - 19. Tạp chí Ban tuyên giáo Trung ương.

                                                               Vương Thị Thúy Hằng (Bộ môn Trồng trọt – Lâm sinh)


Bài viết khác