Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh sinh viên (HSSV) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, chăm lo cho thế hệ trẻ nói riêng ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, phù hợp với tiến trình đổi mới hướng tới BHYT toàn dân năm 2014. Từ khi có Luật BHYT đến nay, BHYT HSSV đã nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, được nhà trường, cha mẹ HS chấp nhận và đánh giá ngày càng tích cực, khẳng định sự đúng đắn của một chính sách xã hội quan trọng, góp phần làm phong phú thêm quan điểm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho HSSV của Đảng và Nhà nước ta.
Kể từ ngày 1-1-2010, tất cả HS, SV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đều có trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc theo quy định của Luật BHYT.
1. Phạm vi bảo hiểm:
- Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường;
- Khám chữa bệnh ngoại trú;
- Khám chữa bệnh nội trú.
2. Mức đóng BHYT:
- Theo quy định mức đóng BHYT HSSV là 3% mức lương tối thiểu chung. Áp dụng cho năm học 2014-2015 (12 tháng) là 414.000 đồng.
Trong đó:
+ HSSV đóng 70%: 289.800 đồng.
+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%: 124.200 đồng.
- Đối với HSSV có thẻ BHYT bắt buộc thuộc nhóm đối tượng khác: Lưu HS; thân nhân của các đối tượng theo quy định pháp luật về sĩ quan quân đội nhân dân, nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân và cơ yếu; HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo… đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc theo quy định của Chính phủ, nhà trường lập danh sách riêng kèm theo bản photocopy thẻ BHYT (còn giá trị) theo dõi và tính chung vào tỷ lệ tham gia của nhà trường để được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (trẻ em dưới 6 tuổi; thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; thân nhân công an nhân dân, nghèo…) nếu hết hạn sử dụng (và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác nữa) thì tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp theo đến hết thời hạn chung là ngày 30-9 hàng năm.
3. Quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT
Theo quy định của Luật BHYT, nghị định số 62/2009/NĐ-CP và thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC:
- HS, SV được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các bệnh viện quận, huyện và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp.
- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn kinh phí 12% quỹ KCB BHYT HSSV để lại trường.
- Được thanh toán 100% chi phí nếu KCB khi tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu chung hiện hành, hoặc KCB tại tuyến phường, xã.
- Được thanh toán 80% chi phí nếu KCB khi thực hiện KCB đúng theo quy định, kể cả khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ).
- Khi tham gia liên tục đủ 36 tháng trở lên sẽ được quỹ BHYT thanh toán 80% của 50% chi phí thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế.
- Trường hợp cấp cứu được đến bất kỳ cơ sở KCB có hợp đồng KCB với BHXH thành phố. Nhưng trước khi ra viện phải trình thẻ BHYT để được thanh toán 80% theo quy định.
* Trường hợp đi KCB trái tuyến (không đúng cơ sở y tế đăng ký ban đầu) và có trình thẻ, thì được hưởng quyền lợi KCB theo hạng bệnh viện như sau:
+ Được thanh toán 70% chi phí nếu KCB tại các bệnh viện hạng III.
+ Được thanh toán 50% chi phí nếu KCB tại các bệnh viện hạng II.
+ Được thanh toán 30% chi phí nếu KCB tại các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.
- Trường hợp KCB ở các cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB hoặc tại các cơ sở có ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm Xã hội mà không trình thẻ BHYT thì được thanh toán chi phí thực tế, nhưng mức tối đa không vượt quá khung giá quy định tại thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC.