Hội thảo khoa học "Vai trò của đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay"

      Ngày 25/5, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức thành công Hội thảo Khoa học với chủ đề: "Vai trò của đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay".

Toàn cảnh buổi Hội thảo

        Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng; TS. Trương Quang Ngân - Phó Hiệu trưởng; TS Đỗ Ngọc Đài - Trưởng phòng QLĐT KH&HTQT và các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Phát biểu tại buổi hội thảo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường mong muốn hội thảo là cơ hội, diễn đàn, để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các bên liên quan đóng góp các ý kiến, đánh giá, trao đổi khuyến nghị với nhà trường về các nội dung liên quan đến quá trình tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực nông lâm nghiệp. Tại hội thảo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu cũng trao đổi một số định hướng, chiến lược phát triển chung của nhà trường về các lĩnh vực, trong đó chú trọng đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho khối nông lâm nghiệp và quản lý tài nguyên môi trường. Cũng qua đây Nhà trường rất mong sự quan tâm giúp đỡ phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan nhằm phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của nhà trường các lĩnh vực nhà trường đang thực hiện.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội thảo

     Mở đầu hội thảo, TS. Võ Thị Hải Lê - Phó Khoa Nông Lâm Ngư trình bày tham luận “Thực trạng nguồn nhân lực lao động Việt Nam, vai trò của giáo dục đào tạo và giải pháp”. TS. Võ Thị Hải Lê đã chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, làm rõ được nhu cầu về nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, tuy nhiên công tác đào tạo còn hạn chế, việc kết nối cung cầu về nhân lực trong lĩnh vực còn nhiều bất cập, rất cần các giải pháp đồng bộ để giải quyết.

TS. Võ Thị Hải Lê - Phó Khoa Nông Lâm Ngư báo cáo tham luận

     Cũng tại Hội thảo ông Ngô Văn Đông, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã trình bày tham luận: “Nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản và chế biến thực phẩm ở Việt Nam”. Ông Ngô Văn Đông cho rằng cần xây dựng một chiến lược tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực bền vững, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và nguồn cung. Thứ hai, tăng cường đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, đặc biệt là trong các kỹ năng mới & công nghệ tiên tiến. Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển của các chương trình học tập liên kết giữa các doanh nghiệp và các trường đại học, giúp tăng cường kết nối giữa giáo dục và thực tiễn, làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.

Ông Ngô Văn Đông, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh miền Trung 

      Chia sẻ thực trạng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn hiện nay ThS. Nguyễn Khánh Ly - Trưởng BM tư tưởng HCM & đường lối CM của Đảng - Khoa Lý luận chính trị cho rằng cần có sự đánh giá một cách đầy đủ về chính sách đào tạo nguồn nhân lực nông lâm nghiệp hiện nay, cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị đào tạo, các em học sinh theo học khối ngành nông lâm nghiệp để đáp ứng được nguồn nhân lực đang thiếu.

NCS. Nguyễn Khánh Ly - Trưởng BM Tư tưởng HCM & đường lối CM của Đảng - Khoa Lý luận chính trị báo cáo tham luận

     TS.Trần Viết Cường - Trưởng BM Bảo vệ môi trường - ĐH Hà Tĩnh cho rằng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay tại các cơ sở giáo dục cần bổ sung các kiến thức về chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, các chương trình đào tạo cần có sự kết hợp giữa 3 nhà (Nhà Trường - Nhà Doanh nghiệp - Nhà nước). Cũng đồng quan điểm với TS Trần Viết Cường TS. Trần Thái  Yên cho rằng việc xây dựng chương trình đào tạo khối nông lâm nghiệp cần tiếp cận đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp trên thế giới, gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình đào tạo cần coi trọng thực hành, thực tiễn sản xuất từ các doanh nghiệp, đưa yêu cầu doanh nghiệp vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, sẽ nâng cao được năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông lâm nghiệp hiện nay.

TS. Trần Viết Cường - Trưởng BM Bảo vệ môi trường - ĐH Hà Tĩnh báo cáo tham luận tại hội thảo
TS. Trần Thái Yên - Trưởng BM QLĐĐ báo cáo tham luận tại hội thảo

      Đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao Ông Phan Thế Chiến - Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp Hùng Cường cho rằng, nhu cầu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, hiện tại Công ty đang có nhiều nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, việc đào tạo lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này cần quan tâm đến chuẩn đầu ra về thái độ, đây chính là yếu tố quan trọng nhất. Nếu sinh viên có thái độ tiếp cận tốt thì việc rèn luyện kỹ năng, tiếp thu kiến thức nhanh và hiệu quả đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Ngoài ra, Ông Phan Thế Chiến còn cho rằng cần quan tâm đến việc liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp để tổ chức giảng dạy tại doanh nghiệp, thông qua mô hình sản xuất, nghiên cứu, giúp sinh viên có được cách nhìn nhận thực tế hơn tại giảng đường, từ đó hiệu quả đào tạo cao hơn.

Ông Phan Thế Chiến - Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp Hùng Cường

     Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho rằng thị trường lao động và cơ hội việc làm rất lớn cho các bạn sinh viên học khối ngành nông lâm ngư nghiệp sau khi ra trường. Tuy nhiên, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn tuyển dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay là một vấn đề khó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần xây dựng đội ngũ chuyên sâu về từng lĩnh vực chuyên môn, coi trọng phát triển các lĩnh vực mới, khó như: chăm sóc động vật hoang dã, chăm sóc thú cảnh…, cần có sự liên kết với các đơn vị quản lý cấp các chứng chỉ hành nghề cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An

     Theo ThS. Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho rằng quá trình đào tạo cần đẩy mạnh sinh viên tham gia học tập thực tiễn thông qua các lớp học tập huấn, đào tạo ngắn hạn để chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An thực hiện chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo các lĩnh vực thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao, một trong những mã ngành nhà trường mới mở.

ThS. Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An chia sẻ tại hội thảo

      TS. Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng rất đồng tình với nhiều đóng góp ý kiến của quý vị đại biểu tham dự hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tường cho rằng việc liên kết giữa nhà trường và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An là rất quan trọng, tạo được sự thay đổi chất lượng đào tạo trong nhà trường hiện nay.

TS. Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường

        TS. Trương Quang Ngân - Phó Hiệu trưởng phát biểu tổng kết bế mạc hội thảo. Hội thảo đã có được nhiều tham luận, ý kiến, nhận xét sâu sắc, đề xuất, khuyến nghị được nhiều giải pháp tối ưu trong việc đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng xem xét, phát triển, bổ sung trong việc tổ chức, vận hành quá trình đào tạo và nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An như: Trong chương trình đào tạo khối nông lâm nghiệp cần tăng tỷ trọng thực hành, giảm thời lượng lý thuyết, bổ sung kiến thức về kinh tế số, kinh doanh, quản lý, marketing, vận hành hệ thống nông nghiệp, quản lý kinh tế…  sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nông lâm nghiệp của nhà trường hiện nay. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có sự liên kết với các doanh nghiệp, các nhà quản lý tham gia giảng dạy một số học phần trong chương trình đào tạo; triển khai tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh phổ thông về nhu cầu thị trường lao động nông lâm nghiệp, tạo được niềm tin, sự say mê trong học tập đối với người học. Thay mặt lãnh đạo nhà trường TS. Trương Quang Ngân đã trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các doanh nghiệp các nhà quản lý… đã đến tham dự hội thảo, cảm ơn các tác giả đã có bài viết cho hội thảo. Trong thời gian tới rất mong được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các bên liên quan để nhà trường thực hiện tốt chiến lược phát triển giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2035. Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trở thành Trường Đại học Nghệ An trước năm 2025.

TS. Trương Quang Ngân - Phó Hiệu trưởng phát biểu tổng kết hội thảo
Các đại biểu và giảng viên chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo

                                                                                                        Tin bài: Thùy Dung


Bài viết khác