Hội thảo khoa học: Tiềm năng nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn, bền vững với chế phẩm vách tế bào lợi khuẩn

    Sáng ngày 22 tháng 7 năm 2025, Trường Đại học Nghệ An, đã diễn ra thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sử dụng hỗn hợp vách tế bào lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosusSaccharomyces cerevisiae trong chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Hội thảo là hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh do TS. Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nghệ An làm chủ nhiệm dự án, cùng sự tham gia của các nhà khoa học từ Bộ môn Thú y, Khoa Nông Lâm Ngư, Đại học Nghệ An và Bộ môn Môi trường và CNTY, Khoa Nông nghiệp và Môi trường, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Toàn cảnh hội thảo khoa học
TS. Nguyễn Đình Tường – Bí Thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng trường là chủ nhiệm dự án đang trình bày kết quả nghiên cứu trước hội thảo khoa học

     Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh bùng phát, lạm dụng kháng sinh, ô nhiễm môi trường và yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học từ vách tế bào lợi khuẩn nổi lên như một giải pháp thiết thực và bền vững. Dự án đã được triển khai với mục tiêu kép: cải thiện năng suất, sức khỏe vật nuôi, giảm phụ thuộc vào kháng sinh, và xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường đảm nhiệm vai trò chủ trì hội thảo

     Tại hội thảo, nhiều tham luận khoa học và kết quả nghiên cứu đã được trình bày, tập trung vào hiệu quả ứng dụng chế phẩm sinh học Immunevets trong chăn nuôi lợn thịt. Đàn lợn sử dụng chế phẩm cho thấy tốc độ tăng trọng trung bình hàng ngày (ADG) cải thiện rõ rệt, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) giảm, chứng tỏ khả năng tận dụng dinh dưỡng hiệu quả hơn. Khối lượng xuất chuồng trung bình cũng tăng thêm từ 3 đến 5 kg/con so với nhóm đối chứng. Kết quả ghi nhận sự giảm thiểu đáng kể các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp ở lợn tại các trại thí điểm. Đặc biệt, lợn sử dụng chế phẩm có lượng kháng thể kháng virus FMD (lở mồm long móng) và PRRS (hội chứng hô hấp sinh sản) cao hơn, minh chứng cho hiệu quả tăng cường miễn dịch rõ rệt. Mô hình giúp tăng tỷ suất lợi nhuận cho người chăn nuôi từ 12-18%. Đồng thời, việc sử dụng chế phẩm góp phần giảm thiểu sử dụng kháng sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường, và hướng tới mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Dự án cũng đã đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho 100 người dân địa phương về quy trình sử dụng chế phẩm.

TS. Nguyễn Hữu Minh – Phó Trưởng phòng QLKH, Sở NN&MT Nghệ An trình bày bài tham luận tại hội thảo khoa học
Ông Bùi Danh Thép – Đại diện hộ chăn nuôi có sử dụng chế phẩm vách tế bào lợi khuẩn trình bày bài tham luận tại hội thảo

     Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm Immunevets đã được hoàn thiện và thử nghiệm thành công tại ba trại chăn nuôi ở Nghi Trung, Hùng Tiến, và Nam Thanh. Chế phẩm này hiện đã được thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, mở ra tiềm năng nhân rộng trong cộng đồng nông dân và các trang trại trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận.

ThS. Nguyễn Quý Hiếu – Trưởng phòng QLKH, Sở KH&CN Nghệ An; TS Trần Anh Tư – phó hiệu trưởng nhà trường; TS Đàm Thị Ngọc Ngà - phó hiệu trưởng nhà trường; TS Trương Quang Ngân - phó hiệu trưởng nhà trường tham gia trong buổi hội thảo khoa học

    Hội thảo đã tạo cầu nối hiệu quả giữa giới khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng người chăn nuôi, thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, đại diện sở, ngành, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, giảng viên, sinh viên và đặc biệt là bà con nông dân. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo không chỉ phản ánh nhu cầu thực tiễn mà còn mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng trong tương lai.

Các khách mời là đại diện Doanh nghiệp và TS Thái Khắc Thanh – trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Nghệ An

     Đại diện nhóm đề tài khẳng định mô hình đã đạt được những hiệu quả rõ rệt về sinh trưởng, sức khỏe vật nuôi và hiệu quả kinh tế. Để hoàn thiện và phát huy tối đa giá trị, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đi sâu vào cơ chế miễn dịch, đặc biệt là nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của chế phẩm đối với virus dịch tả lợn cổ điển (CSF). Hướng đi tiếp theo là nhân rộng mô hình thông qua các chương trình khuyến nông, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp và tăng cường đào tạo, tập huấn cho cộng đồng người chăn nuôi về quy trình sử dụng chế phẩm một cách hiệu quả.

Thành viên đề tài và các khách mời chụp ảnh lưu niệm cuối buổi hội thảo khoa học

    Hội thảo một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, trách nhiệm và năng lực kết nối thực tiễn của Trường Đại học Nghệ An trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững tại địa phương và khu vực.

                                           Truyền thông Khoa Nông Lâm Ngư


Bài viết khác