Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa tại trang trại bò sữa Vinamilk

1. Tổng quan ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam.

     Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, tổng đàn bò sữa là 375.000 ngàn con, tăng 13,17% so với năm 2020, sản lượng sữa 1.200 triệu tấn, tăng 14,4% so với năm 2020. Năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2022 đạt trên 5.300kg/con/năm, cao hơn so với các nước có chăn nuôi bò sữa có điều kiện tương đương. Tính bình quân đầu người tiêu thụ sữa ở Việt Nam sản xuất đạt 12 lít sữa tươi, khoảng 28 – 30 lít/năm/người. Trong khi đó, bình quân của thế giới là 106 – 107 lít/năm/người. Tuy nhiên, sản lượng này mới chỉ đáp ứng được khoảng 42% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng. Vì vậy, cơ hội và thách thức phát triển  cho ngành chăn nuôi bò sữa là rất lớn.

2. Cơ hội và thách thức của ngành chăn nuôi bò sữa.

      Hiện nay, mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa được hình thành, nhưng việc phát triển chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt là với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của đàn bò nói chung, đồng thời tạo áp lực cho việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh từ môi trường ngoài đối với bò là rất lớn.

     Bên cạnh đó kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa của người dân chưa nhiều, đặc biệt là khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng đối với đàn bò sữa năng suất cao. Việc ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa còn nhiều hạn chế, thiếu vốn đầu tư, chưa đồng bộ, thiếu diện tích chăn thả.

     Đồng thời việc liên kết thu mua sản phẩm của người chăn nuôi với các cơ sở thu mua chế biến chưa bền chặt, điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, chưa mạnh dạn đầu từ cho chăn nuôi bò sữa.

      Để cải thiện các vấn đề trên và theo định hướng chung của ngành nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa cần tiến tới áp dụng công nghệ cao để quản lý đàn bò được tốt hơn, đảm bảo về số lượng và chất lượng thức ăn.

3. Ứng dụng CN cao trong chăn nuôi bò sữa

     Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng 4.0 hiện nay, nhiều doanh nghiệp như Vinamilk, TH True milk đã áp dụng nhiều công nghệ trong chăn nuôi bò sữa. Theo Cục chăn nuôi, các tiến bộ kỹ thuật mới được công nhận tập trung nhiều về lĩnh vực giống, thức ăn chăn nôi, chuồng  trại, xử lý môi trường chăn nuôi.

Ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 và công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sữa tươi nguyên liệu

      Các nghiên cứu khoa học này tập trung vào chọn lọc, lai tạo để tạo ra giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước.

       Về chọn tạo, dòng giống: đã hoàn thiện công nghệ sản xuất phôi in-vitro và invivo, kỹ thuật cấy truyền phôi, kỹ thuật cắt phôi, xác định giới tính phôi, sản xuất phôi bằng tinh và phân loại giới tinh, kỹ thuật đông lạnh và giải đông phôi đã được nghiên cứu, áp dụng và giúp ngành chăn nuôi bò sữa chủ động về con giống, nâng cao năng suất, chất lượng của giống bò sữa hiện có ở Việt Nam.

      Công nghệ phối giống tinh bò phân lý giới tính, kỹ thuật cấy truyền phôi đã được áp dụng trong sản xuất, góp phần tạo ra tỷ lệ bò cái cao hơn 90% so với sử dụng phôi thường.

     Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, cắt phôi, cấy chuyển phôi đã góp phần nhân nhanh các giống cao sản.

      Bò được cho ăn tại chuồng nuôi thông qua hệ thống hàng rào và lối cho ăn, nhưng bò thường có xu hướng đẩy thức ăn ra xa, điều này làm giảm khả năng thu nhận thức ăn và có nguy cơ lãng phí nguyên liệu. Sử dụng Robot tự động đẩy thức ăn trở lại giúp tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của bò sữa.

Sử dụng Robot tự động gạt thức ăn trong chăn nuôi bò sữa

        Hệ thống vắt sữa tự động, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí lao động. Nhờ hệ thống cảm biến đặc biệt, hệ thống này thu thập tất cả các dữ liệu về sức khoẻ, năng suất sữa/lần vắt sữa và tần suất vắt sữa của mỗi con bò. Thậm chí các robot vắt sữa có thể thu thập dữ liệu về hàm lượng chất béo, chất lượng sữa và các chỉ số thành phần khác có trong sữa, các thông tin được chuyển về máy chủ và cảnh báo cho con người biết về tình trạng sức khoẻ của bò.

Hệ thống vắt sữa tự động và khép kín

        Bò sữa được trang bị một thiết bị cảm biến thông minh đeo ở cổ được kết nối với một ứng dụng quản lý đàn bò sữa để cung cấp các thông tin thời gian thực về sức khoẻ, môi trường, thói quen, sự thoải mái của đàn bò. Các thông tin thu thập được gửi tới điện thoại của chủ gia súc hoặc hệ thống máy chủ qua sóng wifi để phân tích và đưa ra những kết quả cảnh báo cho người chăn nuôi và bác sĩ thú y. Nếu một con bò sắp sinh thiết bị sẽ cung cấp dữ liệu trước 3 tuần, nếu có vấn đề về sức khoẻ ứng dụng sẽ cảnh báo ngay lập tức, nếu nhiệt độ trong chuồng bò tăng lên sẽ gây sốc nhiệt cho đàn bò.

       Việc phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khoẻ, về môi trường giúp người chăn nuôi có giải pháp kịp thời nhằm giúp cho đàn bò luôn trong tình trạng thoải mái nhất, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa. Cảm biến cũng phát hiện kịp thời những bò sữa động dục để kịp thời thụ tinh nhân tạo đúng với chu kỳ tự nhiên của bò, giúp tăng hiệu quả sinh sản, tăng tỷ lệ thụ thai và tăng khả năng sản xuất sữa của đàn bò.

Thiết bị cảm biến giúp nhận dạng bò và thu thập các thông tin về sức khoẻ của đàn bò

        Đặc biệt ở Hà Lan, Canada, một số trang trại đã sử dụng công nghệ gắn bộ cảm biến trong ống hút sữa của máy vắt sữa để xác định số lượng các tế bào soma trong sữa. Qua đó, đánh giá được tình hình nhiễm bệnh của bò sữa, đặc biệt là đối với bệnh viêm vú ở bò sữa, vì số lượng tế bào soma tăng lên là một phần của phản ứng miễn dịch của động vật bị nhiễm bệnh.

Máy cào phân tự động tại TTBS

         Một hệ thống camera đa cảm biến được đặt ở lối vào của khu vực vắt sữa để chụp ảnh bầu vú khi bò sữa đi qua. Các hình ảnh được hệ thống máy tính có trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý và xác định khả năng bị viêm vú sớm từ 2 – 4 ngày trước khi có triệu chứng cụ thể, qua đó giúp người chăn nuôi có biện pháp phòng trị bệnh.

        Hệ thống quạt mát sẽ làm khô nền chuồng giúp làm giảm tỷ lệ viêm vú cũng như hư móng chân, thời gian bò nằm nhai lại nhiều hơn. Với kiểu chuồng đi lại tự do có hệ thống làm mát kết hợp với cho ăn theo phương thức TMR sẽ làm tăng sản lượng sữa khoảng 15 - 20% ở đàn bò sữa.

        Một công nghệ nữa được áp dụng hầu hết trang trại chăn nuôi bò sữa hiện này, đó là máy cào phân tự động, hoạt động 24/24 giờ giúp vệ sinh chuồng nuôi được đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

        Công nghệ chăn nuôi tiên tiến, về bản chất, không xóa bỏ tính truyền thống, mà nâng cao trình độ sản xuất các nông hộ, làm cho họ trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bền vững, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả bền vững là những lợi ích mà công nghệ 4.0 đã mang lại cho ngành chăn nuôi bò sữa nói chung, tại các trang trại bò sữa của Vinamilk nói riêng.

         Tác giả bài viết xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ về quy trình chăm sóc bò sữa và việc áp dụng công nghệ 4.0 tại TTBS Như Thanh – Thanh Hoá của ông Đinh Xuân Hoá – Giám đốc trang trại./.

         Tài liệu tham khảo

1. https://vnexpress.net/cuoc-cach-mang-cong-nghe-cao-trong-nganh-chan-nuoi-bo-sua-viet-3953850.html.

2. https://nhachannuoi.vn/su-dung-cong-nghe-cao-nham-nang-cao-hieu-qua-trong-chan-nuoi-bo-sua/

3. https://extension.sdstate.edu/new-sensor-technology-estimate-feed-intake-lactating-dairy-cows.

                                                  TS. Võ Thị Hải Lê – Phó trưởng khoa Nông Lâm Ngư


Bài viết khác