Đánh giá, nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp trường năm 2023

          Chiều ngày 04 tháng 10 năm 2023, tại trường Đại học Kinh Tế Nghệ An đã diễn ra Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp trường năm 2023. Với đề tài “Nghiên cứu tính đa dạng, thành phần hóa học tinh dầu và hoạt tính sinh học của các loại thuộc họ Hồ Tiêu (Piperaceae) ở Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An” do TS. Đỗ Ngọc Đài chủ nhiệm và các cộng sự PGS.TS. Lê Thị Hương, TS. Võ Thị Dung, ThS. Trần Thị Thúy Nga, CN. Nguyễn Thị Mai. Hội đồng đánh giá do TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường, chủ tịch Hội đồng khoa học, họp đánh giá, nghiệm thu kết quả.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp trường năm 2023 do TS. Nguyễn Ngọc Hiếu chủ trì
Chủ nhiệm TS. Đỗ Ngọc Đài trình bày kết quả nghiên cứu

           Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký. Nghiên cứu và xác định được 37 loài thuộc 3 chi thuộc họ Hồ tiêu ở Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An. Với chi Piper là đa dạng nhất chiếm 90% tổng số loài; bổ sung cho Danh lục họ Hồ tiêu ở Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An 10 loài. Đã mô tả được một số đặc điểm sinh học (hình thái, sinh thái, phân bố) của các loài được nghiên cứu; Về giá trị sử dụng có 37 loài cây cho tinh dầu, cây làm thuốc 11 loài, cây ăn được và cho gia vị cùng có 2 loài. Về dạng sống của các loài thuộc họ Hồ tiêu ở Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An là: SB = 67,57% Ph + 18,92% Ch + 13,51% Th. Yếu tố địa lý của họ Hồ tiêu chủ yếu là yếu tố đặc hữu và cận đặc hữu với chiếm 48,65%; yếu tố nhiệt đới châu Á với 14 loài chiếm 43,24%, tiếp đến là yếu tố liên nhiệt đới chiếm 5,41% và yếu tố ôn đới chiếm 2,70%. Đã xác định hàm lượng tinh dầu của 12 mẫu thuộc 8 loài; phân tích thành phần hóa học tinh dầu của 10 mẫu thuộc 6 loài; trong tinh dầu của các loài chủ yếu được đặc trưng bởi monoterpenes và sesquiterpenes. Thử hoạt tính sinh học của 10 mẫu tinh dầu của lá và cành cho thấy, tất cả các mẫu đều có khả năng kháng lại chủng G(+), đối với nấm men thì hầu hết đều có khả năng kháng lại, tuy nhiên G(-) thì khả năng kháng lại của nó rất thấp.

          Ngoài ra, đề tài đã công bố 02 bài báo đã đăng trên tạp chí Quốc tế uy tín thuộc Danh mục WoS (Q2 và Q3).

 

Một số hình ảnh về họ Hồ Tiêu (Piperaceae) được trình bày tại buổi nghiệm thu đề tài

         Kết quả nghiên cứu đề tài đã có ý nghĩa trong việc cung cấp các dẫn liệu khoa học đầy đủ về thành phần loài, thành phần hoá học tinh dầu và hoạt tính sinh học của một số loài đến thời điểm hiện tại của các loài Hồ tiêu (Piperaceae) ở khu Dự trữ Sinh quyển Miền tây Nghệ An nói riêng và ở Việt Nam nói chung để định hướng công tác bảo tồn cũng như khai thác sử dụng bền vững. Ngoài ra, còn là tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy và học tập của các nhà giáo và học sinh sinh viên.

       

Các phản biện nhận xét, đánh giá đề tài

 Tại buổi tại đánh giá, nghiệm thu các thành viên hội đồng đã đưa ra một số góp ý cho nhóm thực hiện đề tài về việc bổ sung chú thích các loài phát hiện mới ở bảng biểu, biện luận sâu hơn phần thành phần hoá học tinh dầu và hoạt tính sinh học để nổi bật các kết quả nghiên cứu...vv.

          Kết quả, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp trường đánh giá xếp loại Tốt.

                                                                           Tin bài: Trần Thị Thúy Nga

 


Bài viết khác