Sáng ngày 12/11/2020, tại Hội trường lớn Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã diễn ra buổi Hội thảo Khoa học cấp trường do Phòng Quản lý Đào tạo – Khoa học & Hợp tác quốc tế tổ chức với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp”. Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Nghệ An với các doanh nghiệp trong cả nước, có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm truyền thống Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Chủ trì hội thảo, về phía ban tổ chức gồm có TS. Nguyễn Thị Tùng – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo – Khoa học & Hợp tác quốc tế, TS. Đỗ Ngọc Đài – Phó Phòng Quản lý Đào tạo – Khoa học & Hợp tác quốc tế. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường gồm TS. Dương Xuân Thao – Hiệu trưởng, ThS, NCS. Trương Quang Ngân – Phó hiệu trưởng. Về phía công đoàn có TS. Đặng Thị Thảo – Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh.
Đoàn chủ tọa buổi hội thảo
Tham gia hội thảo gồm có ThS. Nguyễn Công An – Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh,ThS. Lê Việt Hà, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Ông Nguyễn Văn Nam – Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công ty Cổ phần office360, cùng các trưởng, phó phòng ban, khoa chuyên môn và các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.
TS. Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội thảo
Mở đầu hội thảo, đại diện Ban giám hiệu, TS. Dương Xuân Thao chia sẻ tâm huyết của lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Nghệ An về các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bên cạnh kết quả đạt được, TS. Dương Xuân Thao nhấn mạnh những rào cản khó khăn mà các trường phải tìm phương pháp để vượt qua và đạt hiệu quả hợp tác cao hơn trong thời gian tới.
ThS. Phạm Đức Giáp – Phụ trách Khoa Kế toán – Phân tích, tham luận tại hội thảo
ThS. Phạm Đức Giáp – Phụ trách khoa Kế toán – Phân tích, tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Giải pháp tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo kế toán tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An”. Qua việc đặt vấn đề và chỉ rõ vai trò quan trọng của việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, Khoa Kế toán – Phân tích đã tổng kết những kết quả đạt được từ hoạt động hợp tác này, bao gồm: phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức các chương trình, game show; tổ chức các đợt tham quan, thực tế tại các doanh; tổ chức chương trình kế toán thực tế nâng cao cho sinh viên; tổ chức các hội thảo, hội nghị hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng học phần; ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, bồi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực.
Tuy bước đầu đã đạt được các kết quả rõ ràng, Khoa Kế toán – Phân tích cũng nghiêm túc tổng kết những hạn chế bao gồm: các hoạt động tại doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc tham quan và chia sẻ kinh nghiệm; chất lượng đào tạo kỹ năng thực tế chưa cao; công tác đào tạo kế toán thực tế chưa có đột phá; hợp tác với doanh nghiệp trong tuyển dụng chưa thường xuyên liên tục; sinh viên ra trường cần trau dồi thêm kỹ năng mềm. Từ thực trạng đó, thầy đề xuất các giải pháp gồm: xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đầu ra gắn với nhu cầu thực tiễn; bồi dưỡng nâng cao trình độ các giảng viên; đổi mới các hình thức đào tạo thông qua hợp tác với doanh nghiệp; tăng thời gian thực tế, thực hành tại các doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và xây dựng chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Nam, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Office360, tham luận tại hội thảo
Ông Nguyễn Văn Nam, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Office360, tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Xây dựng mối quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp”. Chia sẻ quan điểm với tham luận của thầy Phạm Đức Giáp, ông Nguyễn Văn Nam đánh giá rằng, hiện nay, sinh viên ra trường có tỷ lệ thất nghiệp cao (60%, theo Bộ GD&ĐT), các trường đại học ngày càng khó tuyển sinh. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp lại luôn thiếu nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng công việc thực tế, và các sinh viên sau khi được tuyển dụng thường phải đào tạo lại. Điều này chứng tỏ sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp chưa cao. Theo ông Nam, để cải thiện thực trạng trên, các trường đại học cần xem xét thay đổi tư duy theo hướng xem nhà trường là doanh nghiệp, mỗi khoa là một doanh nghiệp nhỏ, sinh viên và các doanh nghiệp sử dụng lao động là khách hàng. Các trường đại học chủ động tích cực tham gia các hiệp hội, diễn đàn doanh nghiệp địa phương để tạo liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp. Quan điểm và cách tiếp cận của ông Nam nhận được nhiều quan tâm và chia sẻ từ các giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.
ThS-NCS. Nguyễn Thị Thu Hiền, giảng viên Khoa Nông Lâm Ngư, tham luận tại hội thảo
ThS-NCS. Nguyễn Thị Thu Hiền, giảng viên Khoa Nông Lâm Ngư, tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Thực trạng liên kết đào tạo và quản lý tại cơ sở thực tập ngành thú y, Đại học Kinh tế Nghệ An”. Cô cho biết, hiện nay khoa Nông Lâm Ngư đang quản lý hơn 300 sinh viên và có nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp trong cả nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, vấn đề hiệu quả thực tập, thực tế luôn được khoa chú trọng. Việc quản lý hiệu quả sinh viên trong quá trình thực tập, thực tế sẽ đảm bảo chất lượng của các hoạt động hợp tác và nâng cao trình độ của sinh viên.
Cô Hiền cho biết, khoa Nông Lâm Ngư yêu cầu sinh viên thường xuyên ghi nhật ký thực tập, báo cáo chi tiết các nội dung trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp. Đồng thời, các giảng viên thường kiểm tra đột xuất sinh viên trong hoạt động thực tập, thực tế, sau đó sẽ kiểm tra kỹ năng thực hành của sinh viên sau mỗi khóa học tại các doanh nghiệp. Cô cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải như: thời gian gần đây, dịch bệnh xảy ra liên tục nên các khóa thực tập bị gián đoạn hoặc rút ngắn; mối liên kết với doanh nghiệp bị hạn chế do những khó khăn doanh nghiệp gặp phải; quy mô trang trại đủ điều kiện thực tập không có nhiều; Cô đề xuất các giải pháp gồm: tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; các khoa cần điều chỉnh kết quả đào tạo linh hoạt theo nhu cầu thị trường; nâng cao chất lượng giảng viên và quy trình quản lý sinh viên; chủ động trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp.
ThS. Lê Việt Hà, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, tham luận tại hội thảo
ThS. Lê Việt Hà, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Bàn về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”. Cô cho biết, theo luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 là cơ sở cho việc hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định rằng các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Những cơ sở pháp lý đó là tiền đề để thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, hiện nay có nhiều trung tâm dự báo về nhu cầu đào tạo gây khó khăn cho các trường trong kế hoạch tuyển sinh và đào tạo. Một khó khăn khác là khi các doanh nghiệp muốn tham gia đào tạo cùng trường đại học phải đáp ứng các yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ. Điều này hạn chế kết quả hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Giải pháp được cô Hà đề xuất là: trường đại học cần có kênh tham khảo tin cậy về nhu cầu nhân lực của thị trường, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất;đồng thời, cần có các quy chế, quy định rõ ràng trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp;đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và thương mại hóa sản phẩm đào tạo; các doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và nghiên cứu giảng viên tại doanh nghiệp.
ThS. Lê Tú Anh, cán bộ Phòng Thanh tra – Khảo thí và Quản lý chất lượng, tham luận tại hội thảo
ThS. Lê Tú Anh, cán bộ Phòng Thanh tra – Khảo thí và Quản lý chất lượng, tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Tăng cường các chương trình quan hệ công chúng nhằm mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An”. Qua việc trình bày khái niệm, vai trò và quy trình quan hệ công chúng, cô nhận định những khó khăn về hoạt động này bao gồm: hiện nay các trường gửi thông điệp đến các doanh nghiệp chưa rõ ràng và chưa đủ sức lan tỏa; các kênh truyền thông chưa phong phú. Từ đó, cô Tú Anh đề xuất: nên có tổ chức quan hệ công chúng chuyên trách của trường; xác định đúng đối tượng mục tiêu cần chuyển tải thông điệp; lựa chọn kênh thông tin phù hợp; đánh giá nghiêm túc, hiệu quả các chương trình quan hệ công chúng để rút kinh nghiệm và cải tiến.
Thầy Trương Quang Ngân - Phó hiệu trưởng nhà trường kết luận tổng kết hội thảo
Thay mặt đoàn chủ tịch hội nghị tổng kết hội thảo, thầy Trương Quang Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp trong nội dung các tham luận, đồng thời kết luận hội thảo như sau:
Thứ nhất: Hội thảo thống nhất quan điểm việc hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đầu ra của trường đại học.
Thứ hai:Trường Đại học Kinh tế Nghệ An mới dừng ở việc đưa sinh viên thực tập, mời các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia vào các hội thảo, chương trình hợp tác.
Thứ 3: Một số đơn vị đã làm tốt việc hợp tác với các doanh nghiệp như hỗ trợ sinh viên thực tập, cấp các học bổng cho các sinh viên nhà trường.
Một số việc chưa làm được bao gồm:
- Chưa đột phá, thay đổi tư duy theo hướng cải thiện chương trình đạo tạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.
- Vì nhiều lý do, chưa mời được doanh nghiệp tham gia trực tiếp giảng dạy.
- Khó khăn về thời gian, kinh phí thực tập do cơ chế nên gặp nhiều khó khăn.
- Chưa tạo được kênh truyền thông đủ mạnh.
- Chưa xây dựng được chương trình quan hệ công chúng, xây dựng kế hoạch hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
Hội thảo đề xuất:
- Cần xây dựng một quy định về quy trình, cách thức thực hiện, và gắn trách nhiệm của các bên liên quan, của các khoa chuyên môn, của giảng viên về hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
- Cần thay đổi tư duy, đưa hoạt động hợp tác với doanh nghiệp theo hướng thực tiễn cơ sở.
- Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, nâng cao tỷ lệ các tiết thực hành trong giảng dạy, nội dung đào tạo của các khoa.
- Đổi mới cách thức tổ chức kế hoạch đào tạo theo hướng hợp tác với doanh nghiệp phù hợp quy chế hiện nay.
- Điều chỉnh cách thức quản lý sinh viên để cải thiện việc đánh giá sinh viên tham gia thực tập.
- Đề xuất nghiên cứu và thành lập bộ phận quan hệ công chúng, quan hệ với doanh nghiệp./.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
Tin bài: Ngô Chung