Vận dụng phương pháp Dạy học theo dự án trong giảng dạy học phần Marketing tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Tóm tắt: Để đảm bảo chất lượng đào tạo ở bậc đại học, mỗi cơ sở giáo dục cần quan tâm tới nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Một trong số các yếu tố nhằm đảm bảo mục tiêu của chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra chính là các phương pháp dạy học giúp sinh viên học tập một cách chủ động. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc học tập một cách chủ động giúp khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của sinh viên tăng lên đáng kể. Phương pháp dạy học theo dự án là một trong các phương pháp dạy học cải tiến, trong đó người học – đối tượng của hoạt động dạy học cũng chính là chủ thể của hoạt động học tập, được tham gia vào các hoạt động gắn với các tình huống thực tế, được trải nghiệm, quan sát, thảo luận và giải quyết vấn đề theo cách suy nghĩ của mình. Từ đó sinh viên sẽ đạt được các kiến thức, kỹ năng mới và phát huy tiềm năng sáng tạo. Bài viết đưa ra một số vấn đề về khái niệm, lý thuyết liên quan tới dạy học dự án và vận dụng phương pháp này vào giảng dạy học phần Marketing tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đầu thế kỷ XX, các nhà sư phạm Mỹ đã xây dựng cơ sở lý luận cho phương pháp dự án (The Project Method) và coi đó là một phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, nhằm khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống coi giáo viên là trung tâm. Ban đầu, phương pháp dự án được sử dụng trong dạy thực hành các môn kỹ thuật, về sau được dùng trong hầu hết các môn học khác. Với các môn học xã hội, nhất là các môn thuộc chuyên ngành Quản trị kinh doanh, bên cạnh việc trang bị kiến thức thì người học cần được trau dồi thêm kỹ năng và thái độ đối với học tập. Để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường thì việc tham gia các dự án mang tính thực tế ngay trong quá trình học tập tại nhà trường là điều cần thiết. Việc đưa mô hình giảng dạy theo dự án vào học phần Marketing là một giải pháp phù hợp giúp người học có thể tiếp cận các tình huống thực tế tương tự như khi đi làm, đòi hỏi người học cần chủ động tham gia, nghiên cứu, tìm tòi và giải quyết vấn đề một cách bài bản, từ đó rút ra được những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp cho bản thân.

II. NỘI DUNG

2.1. Giới thiệu phương pháp dạy học theo dự án

2.1.1. Khái niệm phương pháp dạy học theo dự án

            Có nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau về phương pháp học theo dự án.

            Theo K. Frey, học giả hàng đầu về dạy học dự án của Cộng hòa Liên bang Đức thì: "Dạy học theo dự án (Project Based Learning - PBL) là một hình thức của hoạt động học tập trong đó, nhóm người học xác định một chủ đề làm việc, thống nhất về một nội dung làm việc, tự lập kế hoạch và tiến hành công việc để dẫn đến một sự kết thúc có ý nghĩa, thường xuất hiện một sản phẩm có thể trình ra được. Học theo dự án nhấn mạnh vai trò của người học."

            Theo định nghĩa của Bộ Giáo dục Singapore: “Học theo dự án (Project work) là hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập, và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống”

            Từ các khái niệm trên, có thể hiểu dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, hướng người học đến việc lĩnh hội tri thức và kỹ năng thông qua các dự án có liên quan đến các vấn đề có thực trong cuộc sống gắn liền với nội dung dạy học. Hay nói cách khác dạy học theo dự án là một hình thức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện.

2.1.2. Đặc điểm của phương pháp dạy học theo dự án

            Dạy học theo dự án có ba đặc điểm là định hướng vào thực tiễn, định hướng vào người học và định hướng sản phẩm. Các đặc điểm này đã thể hiện rõ những ưu điểm vượt trội của hình thức dạy học này so với các hình thức dạy học truyền thống.

            - Định hướng thực tiễn: chủ đề của dự án xuất phát từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp cũng như thực tiễn đời sống. Nhiệm vụ của dự án cần chứa đựng những vấn đề phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của người học. Các dự án học tập có ý nghĩa thực tiễn xã hội, góp phần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn đời sống, xã hội. Trong những trường hợp lí tưởng, việc thực hiện các dự án có thể mang lại những tác động xã hội tích cực.

            - Định hướng hứng thú người học: Người học được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân. Ngoài ra, hứng thú của người học cần được tiếp tục phát triển trong quá trình thực hiện dự án.

            - Định hướng sản phẩm: trong quá trình thực hiện dự án, các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong những thu hoạch lí thuyết, mà trong đa số trường hợp các dự án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.

2.2. Vai trò của người dạy và người học trong phương pháp dạy học theo dự án

2.2.1. Vai trò của người dạy

            Người dạy đóng vai trò là người hướng dẫn, tham vấn cho người học. Bản thân giảng viên không chỉ là những chuyên gia mà còn cùng tham gia tìm kiếm, xử lí thông tin cùng sinh viên. Giảng viên phải thúc đẩy được vai trò tự chủ của sinh viên và gắn sự chủ động của sinh viên trong việc giải quyết nội dung bài học.

2.2.2. Vai trò của người học

            Trong các dự án, sinh viên được đưa ra nhiều quyết định, được cộng tác làm việc, được đưa ra sáng kiến, được trình bày trước đám đông, và trong nhiều trường hợp sinh viên được thiết lập kiến thức riêng cho bản thân. Mặc dù lúc đầu có thể là thách thức lớn, nhưng hầu hết sinh viên đều nhận thấy công việc dự án này rất có ý nghĩa, có liên quan thực tế đến cuộc sống và rất hấp dẫn.

2.3. Lợi ích của phương pháp dạy học theo dự án

2.3.1. Dạy học dự án làm cho nội dung học tập trở nên có ý nghĩa hơn

- Trong dạy học dự án, nội dung học tập trở nên có ý nghĩa hơn bởi vì nó được tích hợp với các vấn đề của đời sống thực, từ đó kích thích hứng thú học tập của người học.

- Dạy học dự án gắn lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, giúp việc học tập trong nhà trường giống hơn với việc học tập trong thế giới thật.

2.3.2. Dạy học dự án góp phần đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi phương thức đào tạo

- Học tập dự án chuyển giảng dạy từ "giáo viên nói" thành "học viên làm". Người học trở thành người giải quyết vấn đề, ra quyết định chứ không phải là người nghe thụ động. Họ hợp tác theo nhóm, tổ chức hoạt động, tiến hành nghiên cứu, giải quyết vấn đề, tổng hợp thông tin, tổ chức thời gian và phản ánh về việc học của mình.

- Dạy học dự án yêu cầu học viên sự tư duy tích cực để giải quyết vần đề, kích thích động cơ, hứng thú học tập, khuyến khích việc sử dụng các kỹ năng tư duy bậc cao, giúp cho người học hiểu biết sâu sắc hơn nội dung học tập.

- Dạy học dự án là hình thức quan trọng để thực hiện phương thức đào tạo con người phát triển toàn diện, học đi đôi với hành, kết hợp giữa học tập và nghiên cứu khoa học.

2.3.3. Dạy học dự án tạo ra môi trường thuận lợi cho người học rèn luyện và phát triển

- Dạy học dự án giúp người học học được nhiều hơn vì trong hầu hết các dự án, học viên phải làm những bài tập liên quan đến nhiều lĩnh vực.

- Phát triển năng lực đánh giá. Dạy học dự án đòi hỏi nhiều dạng đánh giá khác nhau và thường xuyên, bao gồm đánh giá của giáo viên, đánh giá lẫn nhau của học viên, tự đánh giá và phản hồi.

- Học viên có cơ hội lựa chọn và kiểm soát việc học của chính mình, cũng như cơ hội cộng tác với các bạn cùng lớp làm tăng hứng thú học tập.

- Dạy học dự án giúp học viên tự tin hơn khi ra trường do họ được phát triển những kỹ năng sống cần thiết: khả năng đưa ra những quyết định chính xác; khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp; khả năng làm việc tốt với người khác; sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo.

2.3.4. Dạy học dự án phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo của người học

- Người học là trung tâm của dạy học dự án, từ vị trí thụ động chuyển sang chủ động, vì vậy dạy học dự án vừa tạo điều kiện, vừa buộc người học phải làm việc tích cực hơn.

- Dạy học dự án cho phép người học tự chủ nhiều hơn trong công việc, từ xây dựng kế hoạch đến việc thực hiện dự án, tạo ra các sản phẩm. Nhờ thế dạy học dự án phát huy tính tích cực, tự lực, tính trách nhiệm, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề của người học.

2.3.5. Dạy học dự án giúp người học phát triển khả năng giao tiếp

- Dạy học dự án không chỉ giúp người học tiếp thu kiến thức, mà còn giúp họ nâng cao năng lực hợp tác, khả năng giao tiếp với người khác.

- Dạy học dự án thúc đẩy sự cộng tác giữa các học viên và giáo viên, giữa các học viên với nhau, nhiều khi mở rộng đến cộng đồng.

2.4. Đề xuất quy trình vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong giảng dạy học phần marketing

2.4.1. Quy trình thực hiện dạy học theo dự án

            Sau đây là một cách xây dựng tiến trình thực hiện dạy học theo dự án với 5 giai đoạn

            Giai đoạn 1: Chọn đề tài và xác định mục đích của dự án

            Gỉang viên và sinh viên cùng nhau đề xuất, xác định đề tài và mục đích của dự án. Cần tạo ra một tình huống xuất phát, chứa đựng một vấn đề, hoặc đặt một nhiệm vụ cần giải quyết, trong đó chú ý đến việc liên hệ với hoàn cảnh thực tiễn xã hội và đời sống. Cần chú ý đến hứng thú của người học cũng như ý nghĩa xã hội của đề tài. Giảng viên có thể giới thiệu một số hướng đề tài để sinh viên lựa chọn và cụ thể hoá. Trong trường hợp thích hợp, sáng kiến về việc xác định đề tài có thể xuất phát từ phía sinh viên.  

Giai đoạn 2: Xây dựng kế hoạch thực hiện

            Trong giai đoạn này sinh viên với sự hướng dẫn của giảng viên xây dựng đề cương cũng như kế hoạch cho việc thực hiện dự án. Trong việc xây dựng kế hoạch cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.

            Giai đoạn 3: Thực hiện dự án

            Các thành viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra cho nhóm và cá nhân. Trong giai đoạn này, sinh viê thực hiện các hoạt động trí tuệ và hoạt động thực tiễn, thực hành, những hoạt động này xen kẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Kiến thức lý thuyết, các phương án giải quyết vấn đề được thử nghiệm qua thực tiễn. Trong quá trình đó sản phẩm của dự án và thông tin mới được tạo ra.

            Giai đoạn 4: Trình bày dự án

Kết quả thực hiện dự án có thể được viết dưới dạng thu hoạch, báo cáo, luận văn… Trong nhiều dự án, các sản phẩm vật chất được tạo ra qua hoạt động thực hành. Sản phẩm của dự án cũng có thể là những hành động phi vật chất, chẳng hạn việc biểu diễn một vở kịch, việc tổ chức một sinh hoạt nhằm tạo ra các tác động xã hội. Sản phẩm của dự án có thể được trình bày giữa các nhóm sinh viên, có thể được giới thiệu trong nhà trường, hay ngoài xã hội.

            Giai đoạn 5: Tổng kết, đánh giá dự án

            Giảng viên và sinh viên đánh giá quá trình thực hiện và kết quả cũng như kinh nghiệm đạt được. Từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc thực hiện các dự án tiếp theo. Kết quả của dự án cũng có thể đuợc đánh giá từ bên ngoài. Hai giai đoạn cuối này cũng có thể được mô tả chung thành giai đoạn kết thúc dự án.

            Việc phân chia các giai đoạn trên đây chỉ mang tính chất tương đối. Trong thực tế chúng có thể xen kẽ và thâm nhập lẫn nhau. Việc tự kiểm tra, điều chỉnh cần được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của dự án. Với những dạng dự án khác nhau có thể xây dựng cấu trúc chi tiết riêng phù hợp với nhiệm vụ dự án. Giai đoạn 4 và 5 cũng thường được mô tả chung thành một giai đoạn (giai đoạn kết thúc dự án).

2.4.2. Phương thức đánh giá

- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện dự án liên quan đến các nội dung sau:

+ Sản phẩm của dự án: bài trình diễn Powerpoint, các ấn phẩm, website, video…

+ Hiệu quả của làm việc nhóm và làm việc cá nhân

+ Quá trình thực hiện dự án: phân công nhiệm vụ, xây dựng đề cương, thu thập thông tin ...

- Các nhóm đánh giá lẫn nhau dựa trên tiêu chí đánh giá đã thông qua

- Giảng viên tổng kết đánh giá, cho điểm các nhóm.

2.4.3 Gợi ý chủ đề trong học phần Marketing để vận dụng phương pháp dạy học theo dự án

TÊN DỰ ÁN: Nghiên cứu nhu cầu sử dụng laptop của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Dự án được xây dựng từ nội dung: Nghiên cứu marketing (chương 2)

Tóm tắt dự án:  Đối với sinh viên, laptop là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu, tìm kiếm thông tin trong quá trình học tập. Đóng vai trò là các nhân viên Phòng marketing của công ty Thế giới di động, nhóm hãy thực hiện một cuộc điều tra để tìm hiểu nhu cầu sử dụng laptop của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và trình bày kết quả nghiên cứu trước Ban giám đốc công ty.

Mục tiêu của dự án

- Trình bày thực trạng về nhu cầu sử dụng laptop của sinh viên

- Vận dụng được lý thuyết nghiên cứu marketing vào quá trình nghiên cứu

- Trình bày được kết quả nghiên cứu bằng Powerpoint

- Đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đối với chiến lược kinh doanh các sản phẩm laptop của công ty

Nhiệm vụ của sinh viên

- Xác định vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

- Xác định nguồn dữ liệu, công cụ nghiên cứu, chọn mẫu nghiên cứu, phương thức tiếp xúc

- Xây dựng bảng tiến độ thực hiện công việc

- Tiến hành thu thập thông tin

- Xử lý thông tin và trình diễn bằng Powerpoint

Phân công nhiệm vụ

- Nhóm trưởng: Phân chia, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm, theo dõi tiến trình thực hiện dự án của nhóm phụ trách

- Điều tra viên: thu thập thông tin và xử lý số liệu

- Giám đốc marketing: đưa ra các đề xuất đối với chiến lược kinh doanh của công ty cho dòng sản phẩm laptop dành cho đối tượng học sinh, sinh viên.

- Thiết kế viên: Thiết kế báo cáo bài trình chiếu Powerpoint

- Báo cáo viên: Thuyết trình sản phẩm trước lớp

- Thư kí: Tổng hợp thông tin, ghi lại nhật kí dự án

Giảng viên theo dõi toàn bộ quá trình thực hiện dự án và có các buổi đánh giá kết quả thực hiện dự án nhằm rút ra những vấn đề đã đạt được và cần cải thiện đối với các nhóm.

III. KẾT LUẬN

            Với phương pháp học mới này đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên cần có những thay đổi tích cực trong quá trình dạy và học. Sinh viên cần tích cực, chủ động hơn để trau dồi kiến thức, kỹ năng; giảng viên cần thiết lập các kênh liên lạc thường xuyên để nắm bắt quá trình làm việc của sinh viên nhằm đưa ra những đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, giảng dạy dự án vẫn cần kết hợp với các hình thức giảng dạy truyền thống khác để giúp sinh viên hệ thống hoá kiến thức và phục vụ cho quá trình kiểm tra, đánh giá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Thị Hảo, Hoàng Minh Chí, Quản trị chất lượng dạy học dự án ở trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ trong bối cảnh hiện nay, 2021, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Hùng Vương, tập 23, số 2.

2. Nguyễn Văn Tuấn, Tổ chức dạy học dự án “Một số ứng dụng của phương trình vi phân” trong dạy học môn toán cao cấp cho sinh viên khối ngành kĩ thuật, 2021, Tạp chí Giáo dục.

3. Savery, J. R, Tổng quan về Học tập dựa trên vấn đề: Những định nghĩa và khác biệt, 2015.

4. Sylvia Chard, Tại sao học tập qua dự án lại quan trọng?, 2007, Edutopia - Quỹ giáo dục George Lucas.

 

 


Bài viết khác