Nâng cao năng lực số cho Giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

         Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mạng lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm thay đổi căn bản, toàn diện. Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo ở bậc đại học đang được thực hiện mạnh mẽ theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 về việc phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Quá trình triển khai chương trình đã xác định rõ yêu cầu chuyển đổi số trong đào tạo đại học, trong đó có yêu cầu phát triển năng lực số của giảng viên tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

         Trường đại học Kinh tế Nghệ An không nằm ngoài xu thế đó, trong thời gian qua trường đã thực hiện nhiều giải pháp từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật, xây dựng thư viện số, thay đổi phương pháp dạy học tích cực hiện đại, bồi dưỡng tập huấn giảng viên sử dụng phần mềm công nghệ thông tin vào giảng dạy… đã phần nào đáp ứng được việc dạy và học nhất là thời kỳ đại dịch Covid19 vào năm 2021 đầu năm 2022. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo ngày càng cao đòi hỏi giảng viên cần có một nền tảng năng lực số phù hợp, đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong tình hình mới. Trong bối cảnh đó, tôi đề xuất khung năng lực số được áp dụng cho giảng viên tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Từ đó các giảng viên nhìn nhận đánh giá năng lực số, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình phát triển năng lực số của mình.

1. Khung năng lực số 

         Năng lực số (Digital competence) là một khái niệm bao trùm nhiều phương diện của vấn đề thích ứng công nghệ số trong bối cảnh xã hội hiện nay (không chỉ là năng lực ứng dụng CNTT). Khái niệm này được đưa ra bởi nhiều tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như UNESCO, Trường Kinh tế London, Ủy ban Châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Văn phòng UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Viện DQ (Vương quốc Anh); được nhắc nhiều đến trong những nghiên cứu khác nhau trên các phương diện như “digital literacy” (xóa mù số hay kiến thức/hiểu biết kĩ thuật số), “digital skills” (kĩ năng kĩ thuật số), hay “digital competences” (năng lực kĩ thuật số).

         Dù có những sự khác biệt nhất định trong cách định nghĩa, “năng lực kĩ thuật số” có thể được hiểu là: “Khả năng truy cập, quản lí, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo ra thông tin một cách an toàn và hợp lí thông qua các công nghệ số nhằm phục vụ các mục đích học tập, nghiên cứu, giải trí, và các mục đích làm việc chuyên nghiệp khác. Trình độ kĩ thuật số cần thiết gắn liền với trình độ về máy tính, trình độ công nghệ thông tin, trình độ thông tin số và các phương tiện truyền thông” (UNESCO, 2018).

         Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đã nêu rõ và nhấn mạnh việc “xây dựng và tổ chức triển khai chuẩn kỹ năng số và khung kỹ năng số quốc gia, trong đó, xác định các kỹ năng cần thiết, trình độ đáp ứng, phù hợp theo từng đối tượng. Thiết lập và tổ chức triển khai nền tảng sát hạch trực tuyến đánh giá, đo lường kỹ năng số cho từng đối tượng lao động, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh phù hợp chuẩn kỹ năng số quốc gia” (Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022).

1.1. Khung năng lực số của UNESCO

         Tầm quan trọng của năng lực số được chứng minh qua những nỗ lực của nhiều quốc gia và khu vực nhằm phát triển và hoàn thiện khung năng lực số và chiến lược để tăng cường năng lực này cho công dân của mình. Khảo sát của UNESCO (UNESCO, 2018) tại 47 quốc gia cho thấy, trong nhiều trường hợp, các quốc gia cùng lúc đang áp dụng nhiều khung năng lực số để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Có 3 khung năng lực phát triển bởi các doanh nghiệp/tổ chức quốc tế được áp dụng tại 43 quốc gia, đó là: Chứng chỉ ICDL-International Computer Drivers Licence (áp dụng tại 31 quốc gia), Chứng nhận IC3-Certiport Internet and Computing Core Certification (áp dụng tại 13 quốc gia) và Chương trình Chuẩn Năng lực số của Microsoft - Digital Literacy Standard Curriculum (áp dụng tại 11 quốc gia). Ngoài ra, cũng có 11 quốc gia đã tự xây dựng khung năng lực số cho riêng mình, trong đó, có 7 quốc gia vẫn áp dụng đồng thời những khung năng lực quốc tế nói trên.

         Dựa trên những phát hiện từ tham vấn chuyên sâu và tham vấn trực tuyến, UNESCO đã đề xuất một phiên bản khung tiềm lực số trên cơ sở bổ sung vào những nội dung hiện có của khung tiềm lực số châu Âu DigComp 2.0 (UNESCO, 2018; Vuorikari et al, 2016). Các nhóm năng lực được mô tả chi tiết sau đây:

         – Nhóm 1, hoạt động thiết bị và phần mềm: Nhận dạng và dùng các công cụ phần cứng và công nghệ nhận diện dữ liệu, thông tin và nội dung số để vận hành các công cụ và công nghệ.

         – Nhóm 2, năng lực thông tin và dữ liệu: Làm rõ được nhu cầu thông tin, định vị và truy cập được dữ liệu, thông tin và nội dung số; Đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng; Lưu trữ, quản lý và tổ chức dữ liệu, thông tin và nội dung số.

         – Nhóm 3, giao tiếp và hợp tác: Tương tác, giao tiếp và hợp tác thông qua công nghệ số, đồng thời nhận thức được sự phong phú về văn hóa và thế hệ; Tương tác xã hội thông qua các dịch vụ số công cộng tương đương cá nhân và thực hành vai trò công dân; Tự quản lý định danh và uy tín số của bản thân.

         – Nhóm 4, sáng tạo nội dung số: Tạo lập và biên tập nội dung số. Nâng cấp và kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có, đồng thời hiểu rõ về các giấy phép và bản quyền được áp dụng; Biết cách đưa ra các lệnh dễ hiểu cho một hệ thống máy tính.

         – Nhóm 5, an ninh: Bảo vệ các thiết bị, nội nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số; Bảo vệ thể trạng và tinh thần; Nhận thức về ảnh hưởng của công nghệ số đối với hạnh phúc xã hội và hòa nhập xã hội; Nhận thức về tác động của công nghệ số và việc dùng chúng đối với môi trường.

         – Nhóm 6, giải quyết vấn đề: Nhận diện mong muốn và vấn đề, giải quyết vấn đề trong môi trường số; dùng công cụ số để đổi mới quy trình và danh mục; Cập nhật quy trình phát triển của công nghệ số.

         – Nhóm 7, năng lực liên quan đến nghề nghiệp: Hoạt động các công nghệ số đặc thù; Hiểu, phân tích và đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số đặc thù cho một lĩnh vực cụ thể.

1.2. Khung năng lực số Hội đồng Thủ thư Đại học Úc 

         Hội đồng Thủ thư Đại học Úc (CAUL-Council of Australian University Librarians) đã đưa ra định nghĩa về năng lực số và xây dựng một khung tiềm lực số dựa trên khung tiềm lực của Ủy ban Hệ thống Thông tin liên kết (JISC-Joint Information Systems Committee) (Council of Australian University Libararians, 2015). Coi tiềm lực số là một phần quan trọng trong sự thành công của xã hội số bao gồm: Có khả năng nhận thức và thực hành xã hội rất cần thiết để dùng các phương thuận tiện, thông tin và công nghệ để đạt được những lợi thế nhất định theo những cách độc đáo và có tính sáng tạo nhằm tối ưu hóa giá trị cá nhân, cơ quan tổ chức và Doanh nghiệp (Ingelbrecht et al., 2015), khung tiềm lực số của CAUL bao gồm 6 nhóm sau:

         – Nhóm 1, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Nhanh nhẹn, sáng tạo, linh hoạt về nhận thức, thích ứng nhanh với môi trường số. Biết cách lựa chọn phần mềm/ ứng dụng có liên quan; Các khái niệm cơ bản về lập trình, xử lý thông tin; Tương tác giữa các chương trình/hệ thống; Tính lỗi thời của định dạng; Những thay đổi tại nơi làm việc, gia đình, trong xã hội và cộng đồng do tác động của công nghệ số.

         – Nhóm 2, học tập và phát triển kỹ năng số: Sẵn sàng học hỏi suốt đời, tự định hướng, tự phản biện, khả năng thích ứng, sự tự tin. Biết được cơ hội và thách thức liên quan đến việc học trực tuyến; Nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số; Tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân.

         – Nhóm 3, sáng tạo số, giải quyết vấn đề và đổi mới: Sáng tạo, phán đoán và ra quyết định, tư duy phản biện, tính linh hoạt. Quy trình thực hiện các sản phẩm số; Kiến thức cơ bản về IP, bản quyền và cấp phép; Phương pháp nghiên cứu trong môi trường số; Các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu khác nhau; Đổi mới, quản lý doanh nghiệp và dự án trong bối cảnh số.

         – Nhóm 4, hợp tác, truyền thông và hội nhập: Giao tiếp, hợp tác/làm việc nhóm, tự định hướng. Tính năng của các phương tiện và công cụ số khác nhau được sử dụng cho hợp tác và giao tiếp; Phạm vi các tiêu chuẩn và nhu cầu giao tiếp; Ảnh hưởng của truyền thông số và mạng xã hội tới hành vi xã hội.

         – Nhóm 5, năng lực thông tin, tiềm lực truyền thông, năng lực và hiểu biết về dữ liệu: Bản quyền và các lựa chọn truy cập mở để thay thế; Cách sử dụng dữ liệu trong môi trường công việc và cuộc sống riêng; Các chỉ dẫn về pháp luật, đạo đức và bảo mật trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu; Cách hoạt động của các thuật toán; Cách thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân; Truyền thông số như một công cụ xã hội, chính trị và giáo dục; Các sản phẩm truyền thông số như một thực hành kỹ thuật.

         – Nhóm 6, danh tính số và cảm nhận hạnh phúc: Lợi ích và rủi ro liên quan đến danh tiếng cá nhân trong môi trường số; Lợi ích và rủi ro liên quan đến sức khỏe và hạnh phúc của việc tham gia môi trường số.

Bảng 01: Khung năng lực số của UNESCO và Hội đồng thủ thư Đại học úc

TT

UNESCO

Hội đồng Thủ thư Đại học Úc

1

Hoạt động thiết bị và phần mềm

Có khả năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông

2

Năng lực thông tin và dữ liệu

Học tập và phát triển kỹ năng số

3

Giao tiếp và hợp tác

Sáng tạo số, giải quyết vấn đề và đổi mới

4

sáng tạo nội dung số

Hợp tác, truyền thông và hội nhập

5

An ninh

Năng lực thông tin, tiềm lực truyền thông, năng lực và hiểu biết về dữ liệu

6

Giải quyết vấn đề

Danh tính số và cảm nhận hạnh phúc

7

Năng lực liên quan đến nghề nghiệp

 

         Nhóm năng lực Sáng tạo, giải quyết vấn đề của CAUL được UNESCO chia làm 2 nhóm riêng biệt. UNESCO quan tâm đến các năng lực liên quan đến nghề nghiệp, còn CAUL lại nhấn mạnh vào năng lực học tập và phát triển kỹ năng số. Ngoài những khác biệt kể trên, có thể nhận thấy, hai khung năng lực số này có những nhóm năng lực tương đồng rõ rệt: thiết bị, phần mềm và công nghệ, năng lực thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác, an ninh và cảm nhận hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu như Khung năng lực số của UNESCO có thiên hướng đo lường và đánh giá năng lực số thông qua việc liệt kê những tương tác mang tính kỹ thuật thì Khung năng lực số của CAUL tỏ ra mềm dẻo hơn và cung cấp các tiêu chí đánh giá theo 3 phương diện: thuộc tính của năng lực, kiến thức cần nắm được và các khả năng, kỹ năng cần đạt được. Điều này cũng dẫn đến cách tiếp cận khác nhau ở một số nhóm năng lực như giao tiếp và hợp tác, an ninh và cảm nhận hạnh phúc, giải quyết vấn đề. UNESCO thường tập trung vào các ứng dụng, dịch vụ, thiết bị cụ thể trong Khung năng lực của mình, còn CAUL mô tả các năng lực một cách khái quát hơn, và đề cập nhiều hơn đến phương diện thái độ, tinh thần của con n

2. Phương pháp nghiên cứu

 2.1. Phương pháp đề xuất mô hình nghiên cứu

              Trên cơ sở so sánh, kế thừa hai khung năng lực của UNESCO và CAUL, đồng thời xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc của người giảng viên đại học đề xuất khung năng lực số cho giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

2.2. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp, số liệu sơ cấp

             Số liệu thứ cấp: Dữ liệu thứ cấp được tác giả thu thập từ tài liệu, sách, báo, tạp chí, Internet và số liệu do các phòng ban chức năng cung cấp…

             Số liệu sơ cấp: Tác giả thu thập bằng phương pháp điều tra xã hội học thông qua bảng hỏi 

 2.3. Phương pháp xử lý thông tin

             Các thông tin thu thập được, tác giả đã tiến hành tổng hợp các dữ liệu bằng phương pháp thống kê, mô tả sau đó tiến hành phân tích, so sánh để xử lý dữ liệu. Từ đó đưa ra nhận định làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp.

3. Kết quả nghiên cứu

 3.1. Khung năng lực số của giảng viên tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An

         Năng lực số của giảng viên là khả năng hiểu, truy cập, quản lý, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin trong môi trường số nhằm hình thành tư duy, thái độ và phương thức nghiên cứu và giảng dạy số hiệu quả. Năng lực số của giảng viên các trường đại học là điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường chuyển đổi số. Năng lực số giúp cho giảng viên không chỉ sử dụng công nghệ trong nghiên cứu và giảng dạy, mà còn là cơ sở hình thành tư duy, thái độ và phương thức làm việc hiệu quả.

         Trên cơ sở so sánh, kế thừa hai khung năng lực của UNESCO và CAUL, đồng thời xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc của người giảng viên đại học đề xuất khung năng lực số cho giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

 

Hình 01: Khung năng lực số giảng viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Thứ nhất, năng lực vận hành thiết bị và phần mềm công nghệ

         Khả năng vận hành thiết bị công nghệ của giảng viên biểu hiện trước hết là việc nhận biết chức năng và tính năng của công nghệ, lựa chọn các phần mềm công nghệ hỗ trợ hiệu quả cho yêu cầu công việc. Ngoài ra còn thể hiện ở khả năng vận hành thiết bị công nghệ, kỹ năng sử dụng các phần mềm công nghệ, đáp ứng yêu cầu công việc. 

Thứ hai, năng lực xử lý dữ liệu và sáng tạo

        Giảng viên xử lý thông tin một cách hiệu quả với sự hỗ trợ của công nghệ. Giảng viên xác định mong muốn và giải quyết vấn đề, tìm kiếm thông tin, đánh giá thông tin và tư duy phản biện, lưu trữ và tổ chức thông tin, sử dụng và phân phối thông tin.

Thứ ba, năng lực giao tiếp, hợp tác

         Trong môi trường công nghệ số, năng lực giao tiếp và hợp tác của giảng viên là khả năng liên kết giữa đội ngũ giảng viên, giữa người dạy và người học… Năng lực này không chỉ được thể hiện qua mối quan hệ các thành viên trong một đơn vị, một trường mà là mối quan hệ không giới hạn. Đó có thể là mối liên hệ của giới khoa học trong khu vực và thế giới; là mối quan tâm chung của cả trường đại học với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội...

         Khả năng tương tác, giao tiếp và hợp tác thông qua công nghệ số thể hiện ở mức độ nhận thức của giảng viên về trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ được tạo lập từ môi trường số hóa. Năng lực này còn thể hiện ở kỹ năng lựa chọn, sử dụng những công cụ giao tiếp hợp lý cho từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh để đạt hiệu quả cao nhất trong mối quan hệ tương tác.  

Thứ tư, sáng tạo nội dung số

         Hoạt động sáng tạo của giảng viên còn bao gồm khả năng phát triển nội dung số, đó là yêu cầu tạo lập, số hóa nội dung tri thức mới của giảng viên tham gia làm giàu cho hệ tri thức khoa học nhân loại. Sản phẩm tạo ra được thực hiện trên cơ sở sử dụng các tính năng công nghệ hiện đại, là những bài giảng giàu tri thức, có sức hút bởi sự linh hoạt và phong phú trong các hình ảnh, âm thanh giảng viên sử dụng. 

Thứ năm, năng lực an ninh, an toàn 

         Trong khi thực hiện nhiệm vụ, giảng viên cần hiểu rõ những tác động của công nghệ số đối với bản thân, các đối tác và thành viên tham gia. Bên cạnh hoạt động của các cơ quan hữu quan về bảo đảm an ninh, an toàn cho các cá nhân tham gia hoạt động trong môi trường số, mỗi giảng viên cần có khả năng tự bảo vệ mình và bảo vệ đối tác. Năng lực an ninh, an toàn của giảng viên biểu hiện ở mức độ nhận thức về các nguy cơ có thể xảy ra, hiểu về các biện pháp an toàn và an ninh, biết chia sẻ và sử dụng thông tin trên môi trường số không trái với các quy định hiện hành. 

Thứ sáu, học tập và phát triển kỹ năng số

         Trên cơ sở nắm chắc nhu cầu đào tạo và nghiên cứu, các cơ sở đào tạo quy hoạch, xây dựng đội ngũ nhân sự theo yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, lên kế hoạch bồi dưỡng và phát triển năng lực số cho đội ngũ cán bộ giảng viên một cách hiệu quả.

3.2. Thực trạng năng lực số của giảng viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An

         Hiện tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An có tổng 116 giảng viên bao gồm 96 giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm 82,76%, 18 giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 15,52%, 2 giảng viên trình độ đại học chiếm 1,72%. Trong những năm qua Trường đã tích cực thay đổi phương pháp dạy học hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, chương trình đào tạo, nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo trong và ngoài tỉnh về thay đổi phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học. Tập huấn cho giảng viên tiếp cận các phần mềm công cụ số như Microsoft teams, hệ thống đào tạo trực tuyến LMS... áp dụng cho quá trình dạy học và nghiên cứu khoa học.

    Bảng 02. Cơ cấu trình độ đội ngũ giảng viên trường ĐHKTNA tính đến tháng 12/2022

Các khoa

Số lượng GV

Trình độ đại học

Trình độ thạc sỹ

Trình độ tiến sỹ

GV

%

GV

%

GV

%

Khoa Lý luận Chính trị

10

   

8

80

2

20

Khoa Cơ sở

30

   

28

93,33

2

6,67

Khoa TCNH

13

   

12

92,3

1

7,7

Khoa KT- QTKD

22

1

4,55

16

72,72

5

22,73

Khoa Kế toán kiểm toán

21

   

20

95,24

1

4,76

Khoa NLN

20

1

5

12

60

7

35

Tổng

116

2

1,72

96

82,76

18

15,52

 

(Nguồn:Tác giả tổng hợp từ số liệu Phòng TC-HC cung cấp)

        Tác giả thu thập số liệu 56 phiếu trả lời của giảng viên, thảo mãn điều kiện về kích thức mẫu nghiên cứu. Phiếu khảo sát tập trung khai thác các năng lực số theo khung năng lực số của giảng viên tại Trường Đại học kinh tế Nghệ An. Kết quả thu được như sau:

  • Năng lực vận hành thiết bị và phần mềm công nghệ: Có 56 thầy cô giáo đã sử dụng công nghệ và thiết bị phù hợp phục vụ cho hoạt động giảng dạy trực tuyến khi đảm nhận chiếm 100%

Thầy cô có khả năng sử dụng các chức năng và tính năng của phần mềm công nghệ, thiết bị vào giảng dạy trực tuyến là thành thạo thì có 27 giảng viên đồng ý chiếm 48,6%; 27 giảng viên trung lập chiếm 48,6%; vẫn còn 2 giảng viên không  đồng ý chiếm 2,8%. Không có thầy cô nào hoàn toàn đồng ý về khả năng sử dụng thành thạo các chức năng và tính năng của phần mềm công nghệ, thiết bị công nghệ cũng không có giảng viên nào hoàn toàn không đồng ý. 

  • Năng lực xử lý dữ liệu: Có 33 giảng viên đồng ý chiếm 59,5% về khả năng nhận biết nhu cầu thông tin của chính mình để định hình phạm vi tìm kiếm truy cập và khai thác dữ liệu trên nền tảng số phục vụ giảng dạy. Có 21 giảng viên trung lập chiếm 37,8%; vẫn còn 2 giảng viên không đồng ý chiếm 2,7%. Không có thầy cô nào hoàn toàn đồng ý về khả năng nhận biết nhu cầu thông tin của chính mình để định hình phạm vi tìm kiếm truy cập và khai thác dữ liệu trên nền tảng số phục vụ giảng dạy cũng không có giảng viên nào hoàn toàn không đồng ý.

         Về đánh giá được mức độ tin cậy của thông tin thầy cô truy cập khai thác thì có 3 giảng viên hoàn toàn đồng ý chiếm 5,4%; 32 giảng viên đồng ý chiếm 56,8%;  17 giảng viên trung lập chiếm 29,7%; vẫn còn 4 giảng viên không đồng ý chiếm 8,1% và không có giảng viên nào hoàn toàn không đồng ý.

  • Năng lực giao tiếp, hợp tác: 

         Thầy cô đã tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn, giảng dạy trực tuyến trong phạm vi nào? Kết quả có 33 giảng viên đã tham gia các hội thảo cấp khoa, tổ và trường chiếm 59,5%; có 6 giảng viên đã tham gia hội thảo tập huấn cấp tỉnh chiếm 10,8%; có 17 giảng viên tham gia hội thảo cấp quốc gia chiếm 29,7%; chưa có giảng viên nào tham gia hội thảo, tập huấn cấp quốc tế.

  •  Năng lực sáng tạo nội dung số: 

         Thầy cô đã xây dựng được bao nhiêu bài giảng trực tuyến trong 1 năm học cho hoạt động giảng dạy. Kết quả có 17 giảng viên xây dựng 2 bài giảng/năm chiếm 29,7%; có 6 giảng viên xây dựng 4 bài giảng/năm chiếm 10,8%; còn 33 giảng viên là xây dựng được số khác bài giảng/năm.

         Bài giảng trực tuyến của các thầy cô có đáp ứng được tính linh hoạt, phong phú hình ảnh, âm thanh, video clip và tích hợp các trang màn hình hay không? Kết quả có 26 giảng viên đồng ý chiếm 45,9%; có 21 giảng viên trung lập chiếm 37,8%; vẫn còn 9 giảng viên không đồng ý chiếm 16,2%.

  • Năng lực an ninh, an toàn:

         Thầy cô có nhận thức được việc sử dụng thông tin trên môi trường số không trái với các quy định hiện hành hay không? Kết quả có 3 giảng viên hoàn toàn đồng ý chiếm 5,4%; có tới 44 giảng viên đồng ý chiếm 78,4%; có 9 giảng viên trung lập chiếm 16%.

 3.3. Đánh giá thực trạng năng lực số của giảng viên trường Đại học kinh tế Nghệ An

         Kết quả đạt được: Năng lực số của giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện nay được xem xét ở mức độ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học với 100% giảng viên đã sử dụng công nghệ và thiết bị dạy học phù hợp, 48,6% giảng viên sử dụng thành thạo các chức năng và tính năng của phần mềm công nghệ.

         Về nghiên cứu khoa học và hoạt động hợp tác giữa các trường đại học trong và ngoài nước, giữa trường đại học với các cơ quan, đơn vị. Các hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến được sử dụng phổ biến, thay thế, hỗ trợ cho hình thức trực tiếp. Chất lượng khoa học trong hợp tác, trao đổi, thảo luận nâng cao rõ rệt. Phạm vi hợp tác rộng hơn có 29,7% giảng viên tham gia hội thảo cấp quốc gia, đối tượng tham gia phong phú hơn, hình thức tổ chức thuận lợi hơn... Giảng viên đã chủ động, tích cực lựa chọn phương thức làm việc trên thiết bị công nghệ và hầu hết đã thành thạo về các kỹ năng khai thác dữ liệu, sử dụng công nghệ số chia sẻ tri thức một cách hiệu quả. Giao tiếp, giao lưu qua thiết bị công nghệ để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hợp tác chuyên môn đã dần thành nhu cầu, là sự lựa chọn tối ưu của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong trường.

         Về đào tạo, giảng dạy được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại và các phần mềm đào tạo. Do yêu cầu số hóa quá trình dạy học, lượng bài giảng điện tử, giáo trình và sách điện tử được sử dụng phổ biến và chia sẻ trên nền tảng công nghệ số ngày càng phong phú có 40.5% số giảng viên thiết kế hơn 2 bài giảng điện tử trên một năm học. Chất lượng các bài giảng điện tử cũng không ngừng được nâng cao, tận dụng được những tiện ích công nghệ trong chuyển tải tri thức, kỹ năng cho người học. Việc khai thác dữ liệu phục vụ công tác dạy học ngày càng dễ dàng và hiệu quả hơn. 

         Trong quá trình đào tạo, ở khâu kiểm tra đánh giá đã có sự chuyển đổi về hình thức. Dạng thức thi viết trực tuyến, bài tập lớn và tiểu luận, thi trắc nghiệm… dựa trên sự hỗ trợ công nghệ số đã được áp dụng với nhiều học phần.

         Hạn chế: Mặc dù đáp ứng cơ bản yêu cầu của thực tiễn nhưng năng lực số của giảng viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện nay còn khuyết điểm tồn tại như:

         Về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ của đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập. Mặt bằng trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ không đồng đều. Nhiều giảng viên giỏi chuyên môn nhưng khả năng sử dụng công nghệ chưa cao, kỹ năng thiết kế bài giảng, khóa học trên nền tảng kỹ thuật số chưa thành thạo. Việc thiết kế kịch bản dạy học, xây dựng hình ảnh, video clip, tích hợp các trang màn hình… đối với nhiều giảng viên còn mới lạ.

         Tư duy, phong cách giảng dạy ít thay đổi trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều giảng viên còn ỳ trệ, thụ động, ngại thay đổi hoặc dạy học trên nền tảng số một cách đối phó, tính sáng tạo mờ nhạt. Thậm chí, nhiều bài giảng không khác bài giảng truyền thống dù có hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Do nhận thức chưa đầy đủ về tính tất yếu khách quan của sự chuyển đổi phương thức dạy học trong môi trường công nghệ, do ý thức thiếu tích cực của cả giảng viên và sinh viên, cộng với phong cách tư duy và tâm thế làm việc cũ kỹ, thiếu động cơ tích cực nên năng lực số của đội ngũ vốn đã yếu lại có nhiều lực cản trong quá trình phát triển.

         Về năng lực giao tiếp và hợp tác trên môi trường công nghệ số của giảng viên. Sự phát triển của công nghệ thông tin đem lại không gian rộng mở trong giao tiếp, các mối quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp giới chuyên môn có nhiều điều kiện để thiết lập, phát huy. Song, không ít giảng viên thiếu tích cực khi trao đổi, hợp tác chuyên môn với đồng nghiệp. Do tâm lý e ngại, sự ích kỷ về tri thức, không muốn chia sẻ với đồng nghiệp; sự kết nối lỏng lẻo, hạn chế của đội ngũ giảng viên giữa các trường đại học, giữa giảng viên với các tổ chức liên quan đến lĩnh vực đào tạo của nhà trường, giữa giảng viên với sinh viên… thể hiện những hạn chế về năng lực giao tiếp trên nền tảng số của đội ngũ này. 

         Nguyên nhân hạn chế: Những bất cập về năng lực số của giảng viên và sinh viên xuất phát nguyên nhân sau: Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và đào tạo đại học nói riêng đã được quan tâm, song hành lang pháp lý và các quy định cụ thể quản lý, vận hành đào tạo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các văn bản hướng dẫn triển khai mang tính thời điểm, chưa xây dựng lộ trình và quy cách thực hiện mang tính đồng bộ, thống nhất. Cơ sở dữ liệu kết nối các trường đại học đã được xây dựng, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý. Song, dữ liệu khoa học dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo chưa nhiều, chưa thật sự thông suốt và tiện ích. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các dữ liệu trên nền tảng số phải là nền tảng dữ liệu mở, liên tục được cập nhật từng ngày. 

         Hành lang pháp lý chung cho vệc xây dựng, cập nhật số hóa dữ liệu còn chưa rõ ràng. Những vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử… còn rất nhiều bất cập, làm hạn chế cả hiệu quả quản lý và mức độ tham gia dạy và học trong môi trường số. Yếu tố này tác động mạnh mẽ, thậm chí sự không minh bạch, làm hạn chế, triệt tiêu động cơ, động lực phát triển năng lực số của đội ngũ giảng viên.  

         Bên cạnh đó, hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ internet của các trường đại học Kinh tế Nghệ An chưa đồng bộ chuyển đổi số.    

         Năng lực số của giảng viên không đồng đều do các cá nhân chủ yếu tự học, tự bồi dưỡng mà chưa được đào tạo cơ bản, bài bản. Mức độ tham gia, đóng góp cho kho học liệu số của giảng viên còn rất hạn chế. Việc số hóa kho học liệu, thẩm định, chia sẻ nguồn học liệu… cần sự đầu tư của nhà trường và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. 

4. Giải pháp nâng cao năng lực số cho giảng viên trường Đại học kinh tế Nghệ An

         Thứ nhất, đội ngũ cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An

         Giảng viên cần nhận thức đúng và sâu sắc chuyển đổi số là tất yếu, là sự sống còn của đào tạo đại học trong bối cảnh hiện nay. Đào tạo và nghiên cứu khoa học trên môi trường công nghệ số không phải là nhất thời, mà là xu hướng khách quan của sự tồn tại. 

         Đội ngũ giảng viên cần không ngừng tìm tòi, tự bồi dưỡng và phát triển năng lực số thông qua nền tảng dữ liệu mở.

         Giảng viên tăng cường giao tiếp và hợp tác trên nền tảng số, mặt khác, từng bước xây dựng văn hóa giao tiếp trên không gian số, xác lập mối quan hệ hợp tác trên phương diện học thuật mang tính hiệu quả và văn minh.

         Giảng viên cần tích cực và sáng tạo bằng nhiều hình thức khác nhau khi tham gia xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu gồm cả nội dung và hình thức xây dựng kho học liệu có chất lượng cho cộng đồng. Nâng cao tính trách nhiệm xã hội khi chia sẻ và khai thác thông tin trong môi trường số. 

         Thứ hai, Trường đại học Kinh tế Nghệ An

         Trường cần chú trọng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ và thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành. Đầu tư cơ sở hạ tầng mạng và thiết bị thông tin đồng bộ, hiệu quả phục vụ cho công tác dạy và học. 

         Hoàn thiện các quy định trong quản lý quá trình dạy học trên cơ sở coi đây là hoạt động trung tâm, then chốt của nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cao nhất nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực số.

         Thúc đẩy phát triển kho học liệu số phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên cơ sở thẩm định chặt chẽ về chất lượng. Khuyến khích và có cơ chế thưởng, phạt minh bạch đối với giảng viên trong việc thực hiện trách nhiệm đóng góp phát triển nhà trường, cho xã hội trên nền tảng số.

          Đào tạo, bồi dưỡng năng lực số thường xuyên cho giảng viên phải được xác định là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài có ý nghĩa quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ hiện nay

5. KẾT  LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

         Giáo dục đại học ngày nay đòi hỏi giảng viên cần phải có các năng lực số cần thiết để có thể sử dụng công nghệ số nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Nghiên cứu này bước đầu đã đề xuất khung năng lực số cho giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, cho thấy thực trạng năng lực số của giảng viên ở mức trung bình đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số, phân tích đánh giá các năng lực số của giảng viên. Từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực số cho giảng viên trong thời gian tới góp phần thực hiện mục tiêu chung của trường.

         Kiến nghị: Bộ Giáo dục Đào tạo, các trường đại học cần hoàn thiện về hệ thống chính sách văn bản quy định và các điều kiện yêu cầu quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Số hóa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong trường đại học cần sự đầu tư lớn và đồng bộ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. NXB Thông tin và truyền thông.

  2. Council of Australian University Libararians (2015). Digital Dexterity Framework.

  3. https://naue.edu.vn/

  4. Ingelbrecht, N., Gotta, M., & Scheibenreif, D (2015). Defining Digital Dexterity - the Core Workforce Resource for the Digital Business. Gartner, Inc.

  5. Thủ tướng Chính phủ (2017). Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017: về việc “tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” 

  6. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020: phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" 

  7. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2020: phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

  8. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022: phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

  9. Trần Đức Hòa, Đỗ Văn Hùng (2021). Khung năng lực số cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Tạp chí Thông tin và tư liệu (12).

  10. UNESCO (2018). A Global Framework of Reference on Digital Literacy. In UNESCO Institute for Statistics.












 


Bài viết khác