Cập nhật Incoterms 2020 vào bài giảng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Học phần Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương thuộc khối kiến thức chuyên ngành dành cho sinh viên ngành Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Giáo trình chính thức giảng dạy cho học phần này là “Giáo trình Kỹ thuật Nghiệp vụ ngoại thương” do ThS Hồ Thị Hoàng Lương chủ biên với hai cộng sự là ThS Bành Thị Vũ Hằng và ThS Nguyễn Thị Hồng Ngọc được thẩm định và đưa vào giảng dạy vào tháng 12 năm 2016. Nội dung của học phần Kỹ thuật Nghiệp vụ ngoại thương gồm 6 chương: (1) Tổng quan về kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương; (2) Các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms); (3) Các phương thức thanh toán và giao dịch trong ngoại thương; (4) Đàm phán trong ngoại thương; (5) Hợp đồng và các điều khoản của hợp đồng ngoại thương; (6) Tổ chức thực hiện hợp đồng ngoại thương. Trong đó nội dung chương 2 là một nội dung quan trọng vì nắm được nội dung của các điều kiện thương mại quốc tế sẽ giúp người học hiểu và vận dụng được vào nội dung các chương sau của học phần, đặc biệt là quá trình đàm phán để đi đến ký kết hợp đồng ngoại thương của các chủ thể tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Theo giáo trình biên soạn và đưa vào sử dụng năm 2016 đang đề cập tới phiên bản Inoterms năm 2010 (là phiên bản Incoterms mới nhất tại thời điểm giáo trình được thẩm định). Tuy nhiên hiện nay Incoterm đã được cập nhật đến phiên bản mới nhất vào năm 2020. Chính vì thế, nội dung bài viết này sẽ giới thiệu những thay đổi của Incoterms 2020 so vơi các phiên bản trước đó để giảng viên có thêm các thông tin đưa vào giảng dạy nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và cập nhật kiến thức cho sinh viên.

2. NỘI DUNG

2.1. Incoterms là gì?

Incoterms là viết tắt của cụm từ International Commercial Terms - Những điều kiện thương mại quốc tế do Phòng Thương mại quốc tế (ICC - International Chamber of Commerce) ban hành năm 1936 để qui định những vấn đề có tính nguyên tắc về nghĩa vụ; phân chia chi phí của người bán, người mua và xác định giao điểm chuyển giao rủi ro giữa hai bên nhằm hạn chế những tranh chấp không cần thiết xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu.

Sở dĩ có sự ra đời của Incoterms là do các chủ thể tham gia hoạt động buôn bán quốc tế thường gặp các rủi ro do có sự khác nhau về tập quán, luật pháp, ngôn ngữ... dẫn đến các tranh chấp ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên tham gia, thậm chí có thể dẫn đến các xung đột ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước. Do đó, sự cần thiết phải đưa ra các quy tắc thống nhất để giải thích các điều kiện thương mại mang tính tất yếu và Incoterms được ban hành. Sự ra đời của Incoterms góp phần thống nhất tập quán thương mại quốc tế, tránh được những vụ tranh chấp và kiện tụng làm lãng phí thời gian và của cải của con người và xã hội. Chính vì thế, đây là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Kể từ khi được ban hành năm 1936, Incoterms thường xuyên được cập nhật để bắt kịp với nhịp độ phát triển của hoạt động thương mại quốc tế. Incoterms đã trải qua các lần sửa đổi, bổ sung vào các năm: 1953 (2 lần), 1980, 1990, 2000, 2010 và mới đây nhất là 2020. Incoterms 2020 được soạn thảo và ban hành, bắt đầu có hiệu lực kể từ 01/01/2020 thực sự là những chuẩn mực phù hợp với tình hình phát triển của thương mại quốc tế hiện nay.

2.2. Những thay đổi chính của Incoterms 2020 so với các phiên bản trước

Incoterms 2020 được ICC xuất bản vào tháng 9/2019 với 11 điều kiện và chính thức có hiệu lưc từ gày 01/01/2020. Ở phiên bản Incoterms 2020 vẫn giữ nguyên số lượng 11 điều kiện so với Incoterms 2010, nhưng thay thế điều kiện DAT bằng DPU. Ngoài ra còn có nhiều thay đổi khác để tạo thuận lợi hơn cho người dùng trong quá trình áp dụng Incoterms vào các giao dịch thương mại. Bên cạnh đó, Incoterms 2020 có tính đến sự xuất hiện ngày càng nhiều khu vực miễn thủ tục hải quan, việc sử dụng thông tin liên lạc bằng điện tử trong kinh doanh ngày càng tăng, mối quan tâm cao về an ninh trong lưu chuyển hàng hoá và cả những thay đổi về tập quán vận tải.

2.2.1. Những thay đổi về hình thức

Thứ nhất, phiên bản Incoterms 2020 có những thay đổi về hình thức trình bày theo hướng thân thiện hơn và dễ hiểu hơn với người sử dụng. Cụ thể, phần thứ 2 của Incoterms 2020 tóm tắt lại các quy tắc Incoterms theo chiều ngang với 10 khoản mục về 10 cặp nghĩa vụ của người bán và người mua ở phía trên và tên điều khoản Incoterms tương ứng ở phía dưới. Theo đó, người đọc có thể tổng kết và so sánh các quy tắc Incoterms cùng một lúc. Hình thức trình bày mới này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người đọc trong việc hiểu và nhớ các quy tắc Incoterms nhanh hơn.

Thứ hai, thứ tự các cặp nghĩa vụ của người bán và người mua được sắp xếp lại cho dễ đọc và logic hơn. Theo đó, những cặp nghĩa vụ quan trọng nhất sẽ được đẩy lên ở những vị trí đầu tiên. Đáng chú ý, các cặp nghĩa vụ về giao hàng/nhận hàng và chuyển giao rủi ro trong phiên bản Incoterms 2010 lần lượt nằm ở vị trí số 4 và số 5 (A4-B4 và A5-B5) thì trong phiên bản Incoterms 2020, hai cặp nghĩa vụ này được đẩy lên vị trí số 2 và số 3 (A2-B2 và A3-B3). Sự thay đổi này rất hợp lý bởi nội dung cốt lõi của Incoterms là chỉ ra điểm phân chia chi phí và rủi ro liên quan đến hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Bảng: So sánh cấu trúc Incoterms 2010 và Incoterms 2020

Cặp nghĩa vụ của người bán- người mua

Phiên bản Incoterms 2010

Phiên bản Incoterms 2020

A1-B1

Các nghĩa vụ chung

Các nghĩa vụ chung

A2-B2

Thủ tục xuất khẩu/ nhập khẩu

Giao hàng/ Nhận hàng

A3-B3

Vận tải & bảo hiểm

Chuyển giao rủi ro

A4-B4

Giao hàng/ Nhận hàng

Vận tải

A5-B5

Chuyển giao rủi ro

Bảo hiểm

A6-B6

Phân chia các chi phí

Chuyển giao bằng chứng giao hàng/ chứng từ vận tải

A7-B7

Thông báo cho người mua/ người bán

Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu

A8-B8

Chuyển giao bằng chứng giao hàng/  chứng từ vận tải

Kiểm tra- Đóng gói- Kẻ ký mã hiệu

A9-B9

Kiểm tra- Đóng gói- Kẻ kí mã hiệu

Phân chia chi phí

A10-B10

Hỗ trợ thông tin và các chi phí liên quan

Thông báo cho người mua/ người bán

2.2.2. Những thay đổi về nội dung

Thứ nhất, quy tắc giao hàng tại điểm dỡ (Delivered at Place Unloading- DPU) ra đời thay thế cho quy tắc giao hàng tại bến, bãi (Delivered at Terminal- DAT)

Trong Incoterms 2010, DAT có nghĩa là hàng hóa được chuyển giao rủi ro và chi phí từ người bán sang người mua khi hàng hóa đã nằm tại bến bãi ở cảng biển, nhà ga, bến xe… được chỉ định (hàng đã dỡ khỏi phương tiện vận tải). Theo DPU trong Incoterms 2020, người bán sẽ chịu trách nhiệm giao hàng đến bất kỳ địa điểm nào có thể diễn ra việc dỡ hàng như: bến, bãi, kho nội địa hay thậm chí là kho hàng của bên mua tùy theo thỏa thuận của hai bên. Hàng hóa được chuyển giao rủi ro sau khi đã dỡ khỏi phương tiện vận tải tại điểm giao hàng quy định.

Như vậy, việc thay thế DAT bằng DPU giúp mở rộng hơn phạm vi sử dụng của DAT về địa điểm chuyển giao rủi ro và chuyển giao hàng hóa. Về mặt bản chất, nghĩa vụ của người bán và người mua trong giao nhận hàng hóa theo điều kiện DPU không có gì thay đổi so với DAT, chỉ khác địa điểm giao hàng và chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua không chỉ giới hạn tại bến bãi, nhà ga như DAT mà còn mở rộng tới các địa điểm bất kỳ tại nước nhập khẩu.

   Thứ hai, thay đổi trong quy định về cước phí và Bảo hiểm trả tới (CIP). Việc quy định người bán chỉ có trách nhiệm mua bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm C- ICC 1982, ICC 2009 (điều kiện bảo hiểm tối thiểu) đối với hàng hóa vận chuyển theo quy tắc CIP được cho là không phù hợp do những rủi ro đối với vận chuyển hàng hoá đa phương thức. Chính vì thế Incoterms 2020 đã quy định mức bảo hiểm mà người bán phải mua trong trường hợp áp dụng quy tắc CIP lên mức tối đa (điều kiện bảo hiểm A).

   Thứ ba, làm rõ hơn việc phân chia chi phí Việc phân bổ chính xác về chi phí trong giao nhận hàng hóa giữa người bán và người mua. Mặc dù cả hai phiên bản Incoterms 2010 và Incoterms 2020 đều giữ nguyên tắc chung là người bán chịu trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh cho đến địa điểm chuyển giao chi phí và người mua chịu trách nhiệm về các chi phí vượt quá địa điểm đó. Tuy nhiên, phiên bản Incoterm 2020 đã trình bày cụ thể và chi tiết hơn về các cặp nghĩa vụ liên quan đến phân bổ chi phí (A9/B9) so với phiên bản cũ nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra.

   Thứ tư, yêu cầu an ninh. Ngày nay, các yêu cầu về an ninh vận tải đã trở nên phổ biến hơn và phức tạp hơn với nhiều quy định mới (ví dụ, quy định sàng lọc an ninh bắt buộc đối với container hàng hóa). Mặc dù, Incoterms 2010 có nhắc tới trách nhiệm cung cấp thông tin về các yêu cầu an ninh và chi phí kèm theo, nhưng đến Incoterms 2020 đã chi tiết hóa và nhấn mạnh hơn nữa nghĩa vụ này trong điều khoản A4 (cung cấp thông tin về yêu cầu an ninh trong vận tải hàng hóa) và điều khoản A7 (cung cấp thông tin về yêu cầu an ninh trong thực hiện thông quan hàng hóa).

   Thứ năm, người bán/ người mua sử dụng phương tiện vận chuyển riêng. Trong phiên bản Incoterms 2020, nội dung nghĩa vụ vận tải cũng được mở rộng hơn nhằm đáp ứng thực tiễn về khả năng tự vận chuyển hàng hóa của người bán/ người mua trong các quy tắc FCA, DAP, DPU và DDP. Ví dụ, người mua trong FCA Incoterms 2020 được yêu cầu “ký hợp đồng hoặc tự sắp xếp bằng chi phí của mình để vận chuyển hàng hóa từ địa điểm giao hàng đã nêu”.

   Thứ sáu, quy tắc Giao hàng cho người chuyên chở (Free Carrier- FCA), quy tắc Giao hàng lên tàu (Free on board- FOB) và vận đơn đường biển (Bill of lading). Trong vận chuyển quốc tế, khi sử dụng container mà áp dụng quy tắc FOB thì không phù hợp dẫn đến rủi ro, tăng chi phí cho người bán. Cụ thể, trách nhiệm của người bán kết thúc khi hàng được xếp lên tàu tại cảng bốc hàng, như vậy dù đã giao hàng cho người chuyên chở tại CY (Container Yard)/CFS (Container Freight Station) thì người bán vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa cho đến khi container chứa hàng xếp xong an toàn trên tàu trong khi hàng hóa ngoài tầm kiểm soát của người bán. Ngay cả khi sử dụng quy tắc FCA thì người bán vẫn có thể gặp rủi ro trong thanh toán nếu thanh toán bằng L/C. Một L/C được phát hành tuân thủ UCP 600 không có thỏa thuận khác thì vận đơn đường biển xuất trình tuân thủ điều 20 UCP 600 phải là vận đơn xếp hàng lên tàu (Shipped on board B/L), người bán vẫn phải đợi đến khi container chứa hàng xếp xong lên tàu mới được người chuyên chở ghi chú “Shipped on board” trên vận đơn, và lúc đó mới có thể xuất trình chứng từ yêu cầu thanh toán. Do đó, ICC đã đưa ra một giải pháp phù hợp trong Incoterms 2020, đó là quy tắc FCA cho phép các bên thỏa thuận để người mua chỉ dẫn người chuyên chở phát hành vận đơn đã xếp hàng lên tàu cho người bán.

3. KẾT LUẬN

Nhìn chung, mặc dù phiên bản Incoterms 2020 không có nhiều sự thay đổi lớn so với phiên bản Incoterms 2010 trước đó, nhưng những thay đổi này dù nhỏ, vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính ứng dụng rộng rãi và hợp lý của Incoterms. Các thay đổi chính như chuyển từ quy tắc DAT thành DPU, nâng mức bảo hiểm theo quy tắc CIP lên mức tối đa hay mở rộng, chi tiết hóa các điều khoản về vận tải… đều xuất phát từ thực tiễn giao nhận hàng hóa, từ đó giúp Incoterms trở nên phù hợp, thân thiện hơn với người sử dụng. Chính vì thế, giảng viên cần cập nhật và đưa nội dung về những thay đổi của Incoterms 2020 so vơi các phiên bản trước đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Thị Hoàng Lương (Chủ biên) (2016), Giáo trình Kỹ thuật Nghiệp vụ ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

2. Nguyễn Thị Cẩm Thủy, Hoàng Phương Dung (2020), Những điểm mới của Incoterms 2020, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 216, tháng 5/2020 (tr13-20);

3. Tô Bình Minh (Chủ biên) (2020), Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng, NXB Tài chính.

4. Incoterms 2020 by the International Chamber of Commerce tại


Bài viết khác