Một số hình thức liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập

 

I. Đặt vấn đề

Liên  kết giữa  trường đại  học  và doanh  nghiệp là  xu hướng phổ  biến trên  thế trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, được đánh giá là rất quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sinh viên được đào tạo từ  nhà trường,  đồng thời  là nguồn  nhân lực  chất lượng đầu  vào của doanh  nghiệp.

Những năm gần đây, quá trình hội nhập đã có tác động rất lớn đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Việc cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á được thành lập đã tạo ra xu hướng dịch chuyển lao động một số ngành nghề giữa các quốc gia và tạo ra sự cạnh tranh với lao động trong nước. Để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động trong và ngoài nước cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có vai trò quan trọng của các trường Đại học. Sự gắn kết của trường đại học với các doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.

Trên thế giới, việc gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học đã trở thành khuôn mẫu và phương thức hoạt động theo những hình thức khác nhau tùy thuộc vào sự lựa chọn tối ưu của mỗi trường cho phù hợp với điều kiện cụ thể của trường mình. Tuy nhiên, xu hướng chung của các hình thức liên kết là xóa bỏ dần khoảng cách giữa trường đại học và việc đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp về nguồn nhân lực trình độ và chất lượng cao. Sự gắn kết đó không chỉ là lấy doanh nghiệp làm nơi cho sinh viên đến thực tập để nâng cao kỹ năng thực hành hoặc trường đại học là nơi các doanh nghiệp tìm đến để lựa chọn những nhân tài dưới hình thức “săn đầu người”, hay cấp học bổng... Vấn đề đặt ra về mặt lý luận hình thức liên kết này là nó cần phải được định hình trở thành khuôn mẫu, phương thức chung với nhiều hình thức gắn kết đa dạng. Trên cơ sở nhận thức chung về mô hình gắn kết mỗi trường đại học xây dựng cho mình mô hình thích hợp, cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực dựa trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của doanh nghiệp (bên cầu lao động) và đánh giá năng lực thực tế của trường đại học (bên cung lao động) có khả năng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. 

II. Nội dung

1. Khái quát về quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) là tất cả mọi hình thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên: Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; Kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các DN; Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; Xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.  

Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, giúp các DN đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay. Mối quan hệ này cũng đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.

Cộng đồng châu Âu (EU) đã tiên phong trong việc đề ra chính sách bắt buộc các trường đại học trong khối EU phải cộng tác với nhau và với các DN. Ở Hoa Kỳ, việc hợp tác nhiều bên để nghiên cứu và phát triển đã được Giáo sư John Donahue đánh giá rất cao. Theo đó ngoài khu vực nhà nước, xã hội có rất nhiều người tài giỏi trong tất cả các lãnh vực từ công nghiệp đến sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có vai trò lập chính sách ưu đãi hợp lý để tác động cho sự hợp tác nhiều bên này.

2. Sự cần thiết hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam

Nền kinh tế nước ta lâu nay dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trong thế giới kỷ nguyên số, tất cả những yếu tố trên không còn là thế mạnh của chúng ta.

Xuất phát từ thực trạng nguồn lao động của Việt Nam, chủ yếu là lao động tay nghề thấp, nên dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Trước tình hình đó, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cấp thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ trên nhiều phương diện, trong đó vai trò của các trường đại học hiện nay được xem là một trong những khâu quan trọng đầu tiên. Để đào tạo gắn liền với thực tiễn nhu cầu mà các DN cần, đòi hỏi các trường đại học phải có sự hợp tác với DN.

Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng sau khi tiếp nhận sinh viên về làm việc, phần lớn sinh viên ra trường chưa thể bắt tay ngay vào làm những công việc chuyên môn; sinh viên không thể tự lên kế hoạch học tập để hoàn thiện mình trong công việc; sinh viên thiếu hoặc chưa có những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc được giao.

Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn công việc tại DN là yêu cầu cấp bách và không chỉ dừng lại ở vấn đề nhà trường chỉ lo tìm chỗ thực tập cho sinh viên hay xin cấp học bổng mà cần đi vào thực chất về nhu cầu năng lực, trình độ của người lao động có đáp ứng yêu cầu của DN. Sự hợp tác đại học và DN sẽ trả lời các câu hỏi này và mang lại những lợi ích cơ bản sau:

Thứ nhất, về phía các trường đại học. Hợp tác với DN góp phần xây dựng mục tiêu, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của DN. DN cử các nhà quản lý, nhà tuyển dụng, chuyên gia tham gia vào việc xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo dựa trên cơ sở chương trình khung và dạy cái gì mà xã hội cần, người học cần. Từ đó, các trường đại học kịp thời nắm bắt các thông tin, cập nhật kiến thức, điều chỉnh nội dung, chương trình, dự báo các ngành nghề mới theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất để tiến kịp với sự phát triển của đời sống xã hội.

Khi nhà trường hợp tác chặt chẽ với DN, sinh viên được tham quan, học tập tại DN, có điều kiện thực hành trên những thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để sau khi ra trường có thể bắt kịp với thực tế sản xuất. Thông qua các hợp đồng đào tạo, DN sẽ đóng góp kinh phí đào tạo, góp phần bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cũng như cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Hợp tác với DN, giúp nhà trường cải tiến tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Thông qua mối quan hệ với các DN, các trường đại học có thể mời chuyên gia tại các các DN tham gia cùng sinh viên các trường đại học để thảo luận, điều chỉnh mục tiêu, nội dung để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thông qua việc hợp tác với DN, góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Thứ hai, về phía DN. Hợp tác giúp DN có thể tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều sinh viên, có điều kiện để theo dõi, đánh giá tác phong làm việc cũng như kiến thức và năng lực của sinh viên một cách chính xác nhất. Qua đó, DN có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của mình.

DN luôn có nhu cầu cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất – kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất nên phải tìm kiếm những phát minh, sáng chế, những sản phẩm khoa học và công nghệ có tính khả thi để tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững. Các trường đại học với vai trò là trung tâm nghiên cứu thường sở hữu các kết quả nghiên cứu, tri thức và công nghệ mới sẽ chính là nơi mà các DN cần. Do đó, hợp tác đại học và DN giúp DN tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu mới nhất, cập nhật nhanh nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN. Hợp tác sẽ giúp họ nâng cao khả năng nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chương trình đào tạo của các trường đại học, vì họ được phép đánh giá chất lượng đào tạo thông qua sinh viên kiến tập, thực tập tại DN.

Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho các trường đại học và tham gia thỉnh giảng tại các trường đại học mà mình hợp tác, DN cũng sẽ được hưởng lợi khi chất lượng sản phẩm đào tạo của đại học đáp ứng được yêu cầu của DN. Từ đó, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh của DN. DN là những người đi tắt đón đầu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, do đó, DN có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và thiết thực từ các trường đại học nhằm cải tiến, nâng cao sản phẩm của DN.

Thứ ba, về phía sinh viên. Hợp tác đại học và DN giúp sinh viên có cơ hội được lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, được củng cố về kỹ năng làm việc và hơn nữa là nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường. Học tập tại DN giúp sinh viên được trau dồi kiến thức thực tế, học hỏi thêm các kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, giúp sinh viên trưởng thành hơn rất nhiều. Việc hợp tác này cũng giúp sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng và tiếp cận sớm với các tổ chức tuyển dụng, tạo cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp, đồng thời, sinh viên có thêm thu nhập khi tham gia vào hệ thống của DN.

Thứ tư, về phía xã hội. Hợp tác đại học và DN giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho vùng, giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

3. Một số phương thức liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng đáp ứng nhu cầu hội nhập

Nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên đều nhận thức được sự cần thiết và vai trò của việc hợp tác. Vấn đề ở đây là tìm ra một phương thức hợp tác hợp lý, làm sao để việc hợp  tác có thể mang lại lợi ích thiết thực cho các bên. Qua quá trình khảo sát các mô hình hợp tác của một số trường đại học, cao đẳng, và các cơ sở đào tạo trong nước, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm của một số trường đại học nổi tiếng trên thế giới việc hợp tác với doanh nghiệp trong công tác đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu hội nhập có thể thực hiện theo một số phương thức hợp tác từ 2 phía như sau:

3.1. Về phía doanh nghiệp

Các doanh nghiệp có thể tham gia hợp tác cùng nhà trường trong quá trình đào tạo sinh viên thông qua các cách thức sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp tư vấn và tham gia xây dựng chương trình đào tạo cùng cơ sở đào tạo: trong quá trình phát triển chương trình đào tạo, doanh nghiệp sẽ tư vấn cho nhà trường về các yêu cầu của doanh nghiệp đối với sinh viên cũng như các xu hướng mới nhất của thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, tham gia vào quá trình thiết kế chương trình, lồng ghép được những yêu cầu cần đạt được của người lao động vào trong các chương trình đào tạo. Từ đó, cơ sở đào tạo có căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.

Thứ hai, doanh nghiệp phối hợp nhà trường trong công tác đào tạo sinh viên: đối với quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo có thể yêu cầu hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong công tác đào tạo của mình, chẳng hạn như tổ chức hội thảo, giao lưu giữa doanh nghiệp với sinh viên, mời các doanh nhân nói chuyện thực tiễn hay giảng dạy một số chương thực hành, tham gia hướng dẫn khóa luận… nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu về thực tiễn hoạt động kinh doanh. Qua các buổi trao đổi này, các bạn sinh viên đam mê có thể tìm hiểu thêm hoặc phát triển những nghiên cứu sau này, doanh nghiệp cũng có cơ hội quảng bá, giới thiệu và cũng có thể tuyển chọn được được ứng viên tiềm năng, tâm huyết. Bên cạnh đó, nhà trường còn có thể tăng cường tiếp nhận phản hồi từ các nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp để có các điều chỉnh, cải tiến phù hợp và kịp thời.

Thứ ba, doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên cơ sở thực tập: hoạt động thực tập rất quan trọng đối với sinh viên và nhà trường, không chỉ giúp sinh viên củng cố, ứng dụng kiến thức đã học mà còn phát triển kỹ năng, làm quen với môi trường doanh nghiệp và hòa nhập tốt với môi trường làm việc trong tương lai. Để phát huy lợi ích của loại hình đào tạo này, doanh nghiệp nên đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ mà sinh viên cần làm, công khai tiêu chí đánh giá, thông báo kết quả thực tập của sinh viên cho nhà trường. Phía nhà trường cũng hỗ trợ thông báo những yêu cầu, mục tiêu thực tập cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể điều chỉnh nội dung thực tập sao cho phù hợp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Thứ tư, doanh nghiệp trao học bổng và tài trợ cho sinh viên xuất sắc: doanh nghiệp có thể kết hợp với nhà trường để xây dựng chính sách “ươm mầm tài năng”, “xây dựng nhân sự nòng cốt tương lai cho doanh nghiệp” thông qua các các hoạt động tài trợ, trao học bổng cho sinh viên tài năng, sinh viên nghèo hoặc trao các giải thưởng khuyến khích sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học cho những sinh viên xuất sắc. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa và hiệu quả nhất để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thứ năm, doanh nghiệp tham gia các hoạt động khác cùng cơ sở đào tạo: ngoài các hoạt động trên, các doanh nghiệp có thể đóng góp vào quá trình đào tạo sinh viên thông qua các hoạt động như: đóng góp vào quỹ khuyến học, tham gia các hoạt động của nhóm các doanh nghiệp/tổ chức hợp tác với nhà trường, cùng nhà trường đánh giá sinh viên…

3.2. Về phía trường học

Cùng với phương thức hợp tác từ phía doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo có thể thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thông qua các hoạt động như sau:

Thứ nhất, cơ sở đào tạo quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp: các cơ sở đào tạo có thể đưa các thông tin về doanh nghệp tới sinh viên về cơ hội thực tập, thông tin tuyển dụng, các hoạt động xã hội, kết nối cộng đồng,…

Thứ hai, cơ sở đào tạo hỗ trợ tuyển dụng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp: hàng năm, các doanh nghiệp đều có nhu cầu về tuyển dụng lao động, lao động thời vụ. Vì vậy, các cơ sở đào tạo có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa thông tin đến sinh viên hoặc giới thiệu sinh viên vào làm việc, thực tập tại doanh nghiệp.

Thứ ba, nhà trường có thể đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp, tư vấn hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu: đây là hình thức hợp tác quan trọng đã được thực hiện thành công ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, các trường phối hợp đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp ngày càng nhiều, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn. Tuy nhiên, các chương trình tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu vẫn còn hạn chế, chưa được các bên liên quan quan tâm, nhận thức đầy đủ và đầu tư xứng đáng, các giảng viên còn hạn chế tham gia tư vấn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo có thể cung cấp thông tin và tài liệu về các chương trình, các hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường; đào tạo sinh viên theo yêu cầu của doanh nghiệp kết hợp với chương trình đào tạo của nhà trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu về chuyên ngành; cập nhật các xu hướng mới nhất trong khu vực và trên thế giới cũng như tạo điều kiện tốt nhất cùng hợp tác đào tạo thực hành đối với sinh viên.

III. Kết luận và kiến nghị

Để tăng cường sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, cả doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần nhận thức rõ ràng về những lợi ích và giá trị gia tăng mà sự hợp tác này  mang lại. Quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là quan hệ mang tính hữu cơ, trong một thực thể thống nhất nhằm đạt được lợi ích chung và phát huy được thế mạnh của nhau chứ không phải đơn thuần một chiều hay truyền thống chỉ là cung cấp học bổng, nơi thực tập.

Để quá trình đào tạo có chất lượng cao, tạo ra nguồn nhân lực có năng lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là một tất yếu đặt ra, việc lựa chọn mô hình hợp tác trong việc đà0 tạo thực hành hợp lý sẽ tạo ra tính hiệu quả trong công tác đào tạo nói chung của nhà trường cũng như trong việc sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc hợp tác giữa trường đại học và các doanh nghiệp trong công tác đào tạo tuyển dụng sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có các bên liên quan. Do đó, mỗi bên cần thực hiện tốt vai trò của mình trên các góc độ sau:

 Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục: cần có cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo như: cần có các quy chế, văn bản, tiêu chí cụ thể về mối quan hệ với doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo; có các văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện quy trình thiết lập, duy trì, quản lý mối quan hệ với doanh nghiệp; có chính sách xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo như cấp giấy khen tôn vinh, giảm thuế, hạ lãi suất hoặc ưu đãi vay vốn…

· Đối với các trường đại học: cần có chiến lược phát triển gắn liền với nhu cầu xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Ngoài ra, cần có sự chủ động của các trường trong việc tiếp cận và đưa ra cách thức phối hợp, cùng với các đề xuất hợp tác với doanh nghiệp.

· Đối với các doanh nghiệp: cần có sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp đối với việc hợp tác với các trường đại học. Các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình và hỗ trợ tối đa trong khả năng để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.

IV. Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị  Thu Phương  (2016), Các phương  thức hợp  tác giữa  cơ sở  đào tạo  với doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành du lịch đáp ứng nhu cầu hội nhập, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ, 19(X5), 120–126. 

2. Trịnh Thị Hoa Mai (2008), Liên kết đào tạo giữa nhà trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế–Luật.

3. Nguyễn Đình Luận (2015), Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Phát triển và Hội nhập số 22.

4. Trần Anh Tài (2009), Gắn đào tạo với sử dụng, nhà trường với doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội, số 25.

5. Đinh Văn Toàn. Hợp tác đại học – doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, tập 32, số 4/2016.

Tác giả: Ths Lê Thị Trang

 

 

 

 

 


Bài viết khác