Giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế trọng tài thương mại

Đặt vấn đề: Thương mại quốc tế ngày càng phát triển, cùng với đó là sự hợp tác và cạnh tranh giữa các đối tác ngày càng mạnh mẽ. Số lượng vụ việc tranh chấp trong thương mại quốc tế ngày càng tăng, chỉ tính riêng Tổ chức Thương mại thế giới WTO, trong 25 năm ra đời và phát triển, đã nhận đơn xin giải quyết tranh chấp của 595 vụ và 350 phán quyết được đưa ra. Trong phạm vi của tham luận, báo cáo giới thiệu một cơ chế giải quyết tranh chấp đang được các bên tham gia thương mại quốc tế áp dụng phổ biến, được coi như là một cơ chế khá hữu hiệu, đem lại hiệu quả cao, là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế trọng tài thương mại.

Từ khóa: Tranh chấp thương mại, Trọng tài thương mại 

1. Một số khái niệm 

1.1. Khái niệm Tranh chấp thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại 

Thương mại quốc tế là hoạt động trao đổi hàng hóa dịch vụ giữa các chủ thể có quốc tịch khác nhau, dựa trên cơ sở nguyên tác ngang giá, lấy tiền tệ làm trung gian trao đổi. Theo đó, Tranh chấp thương mại phát sinh khi giữa các bên tham gia giao dịch xảy ra mâu thuẫn về các quyền, nghĩa vụ đã được quy định trên hợp đồng đã được ký kết. Từ đó ta có thể hiểu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là việc các bên tranh chấp thông qua hình thức, thủ tục thích hợp để tiến hành các giải pháp nhằm loại bỏ những xung đột, bất đồng về lợi ích kinh tế giúp làm rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên từ đó giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hai bên.

Trong Luật Thương mại 2005, Điều 317 có đưa ra các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại đó là các bên có thể thực hiện Thương lượng, Hòa giải hoặc chọn giải quyết tài Tòa án hoặc Trọng tài thương mại.

1.2. Trọng tài thương mại 

Trọng tài thương mại là một cơ chế đã được áp dụng như một thông lệ phổ biến trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra định nghĩa về cơ chế này tại Điều 3, khoản 1, theo đó, Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được thực hiện theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.

2. Nguyên tắc và đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại

2.1. Nguyên tắc của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại 

Điều 4, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã đưa ra các nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại như sau:

Một là, nếu thỏa thuận giữa các bên là hợp pháp và phù hợp với các phong tục tập quán, hành vi đạo đức của xã hội thì trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận đó.

Hai là, Trọng tài viên phải làm việc khách quan, độc lập và tuân thủ theo pháp luật. 

Ba là, Hội đồng trọng tài tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách bình đẳng, theo đúng pháp luật.

Bốn là, trừ khi giữa các bên tranh chấp có các thỏa thuận khác, trọng tài thương mại sẽ thực hiện giải quyết tranh chấp không công khai.

Năm là, phán quyết của trọng tài là phán quyết cuối cùng (chung thẩm)

2.2. Đặc điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại 

Trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chất phi chính phủ, là sự thỏa thuận lựa chọn sử dụng giữa các bên tham gia thương mại khi có tranh chấp xảy ra, được ghi rõ trong điều khoản của hợp đồng thương mại. Cơ chế này có các đặc điểm cơ bản:

Một là, chỉ khi các bên tranh chấp có yêu cầu và trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đó thì trọng tài mới tham gia giải quyết tranh chấp. Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thì các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại bao gồm: một là, bên tham gia thương mại phát sinh tranh chấp trong quá trình hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa dịch vụ diễn ra; hai là, phải có ít nhất một bên có hoạt động thương mại trong quá trình phát sinh tranh chấp và ba là, là loại tranh chấp khác được pháp luật cho phép sử dụng cơ chế trọng tài để giải quyết.

Hai là, giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài sẽ do Hội động trọng tài thực hiện, bao gồm 01 trọng tài viên độc lập hoặc Hội đồng gồm nhiều trọng tài viên. Trọng tài viên và Hội đồng trọng tài phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Ba là, kết quả giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài thương mại cần đảm bảo sự phù hợp giữa phán quyết của trọng tài và thỏa thuận của các bên tham gia tranh chấp. Nhưng vì Trọng tài thương mại là một cơ chế phi chính phủ, vì vậy các phán quyết của trọng tài trên cơ sở nhân danh và lợi ích của các bên tham gia tranh chấp chứ không mang tính quyền lực như phán quyết của cơ chế giải quyết bằng tòa án.

Bốn là, giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài mang tính riêng biệt và được đảm bảo tính bí mật. Danh tính của các bên tham gia tranh chấp cũng như nội dung tranh chấp sẽ được giữ kín, điều này giúp các bên tham gia tranh chấp giữ được nhu cầu đảm bảo tính tín cậy trong các mối quan hệ thương mại.

3. Ưu điểm và hạn chế của giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế trọng tài thương mại

3.1. Ưu điểm 

Một là, do trọng tài là cơ quan phi chính phủ, quá trình xử lý tranh chấp có thể chỉ cần một Trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài gồm nhiều trọng tài viên do các bên chỉ định theo đúng quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, vì vậy đây là cơ chế có thủ tục nhanh chóng, thuận lợi, linh hoạt; giúp các bên tiết kiệm chi phí, thời gian khi giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, nhờ tính chất phi chính phủ mà đây là một cơ chế giải quyết tranh chấp được rất phù hợp khi giải quyết các tranh chấp xảy ra trong thương mại quốc tế vì nó không nhân danh quyền lực tư pháp của bất kỳ quốc gia nào.

Hai là, nhờ được quyền chỉ định trọng tài viên giải quyết tranh chấp nên việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở đặt quyền lợi của các bên lên trên hết cũng như ưu tiên thỏa thuận của cac bên nên sẽ giúp cho việc giải quyết tranh chấp chính xác, thuận lợi và nhanh chóng.

Ba là, với nguyên tắc xét xử không công khai sẽ giúp các bên tham gia tranh chấp giữ được uy tín của mình trong các mối quan hệ thương mại.

Bốn là, tùy vào tình trạng tranh chấp và thỏa thuận của các bên mà cung cấp chứng cứ cho trọng tài vì vậy các bên có thể giữ được các bí quyết thương mại mà mình mong muốn.

3.2. Hạn chế 

Một là, Trọng tài thương mại là cơ chế tuyên án một cấp, vì vậy nếu trong trường hợp trọng tài viên hoặc tổ trọng tài đưa ra chung thẩm thiếu chính xác thì các bên tham gia tranh chấp có thể bị bất lợi và thiệt hại.

Hai là, trọng tài là tổ chức phi chính phủ, vì vậy không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc, muốn ra các quyết định mang tính chất bắt buộc thì Tổ trọng tài vẫn phải yêu cầu Tòa án thi hành các phán quyết của mình. Do đó, trên thực tế, việc thực hiện các quyết định của trọng tài phụ thuộc vào sự tự giác của các bên tham gia tranh chấp.

Trên đây là một số ưu điểm và hạn chế của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Có thể thấy, đây là cơ chế có ưu điểm lớn như linh hoạt, phù hợp ý chí nguyện vọng của các bên. Tuy nhiên để có thể sử dụng cơ chế này trong giải quyết tranh chấp thương mại, thì các bên phải có thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng lựa chọn cơ chế trọng tài thương mại để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. 

KẾT LUẬN 

Hiện nay, tranh chấp trong thương mại ngày càng tinh vi và phức tạp do sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể tham gia thương mại ngày càng chặt chẽ và nhiều nội dung. Vì vậy, việc tìm kiếm và lựa chọn một phương án để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra giữa các bên là điều tất yếu. Để lựa chọn được phương thức phù hợp, trong quá trình đám phán, các bên tham gia cần căn cứ vào nội dung và tính chất hợp tác của các bên để lựa chọn được hình thức giải quyết tranh chấp đảm bảo linh hoạt, nhanh chóng và tối đa hóa lợi ích cho các bên. Theo đó, Phòng Công Nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI cũng đã có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp về lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp trong thương mại, và Trọng tài thương mại là một cơ chế các doanh nghiệp nên lựa chọn. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Minh Trường, Trọng tài thương mại quốc tế là gì? Tại sao phải sử dụng trọng tài, Công ty Luật Minh Khuê, 2021

  2. Luật Thương mại Việt Nam 2005

  3. Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010

Website: 

  1. https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/TrangChu.aspx - Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp

  2. https://www.viac.vn/ - Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam


Bài viết khác