Tập huấn bồi dưỡng về Bảo đảm và Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học

          Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, Cục Quản lý chất lượng phối hợp với Ban quản lý dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đợt tập huấn trực tiếp và trực tuyến về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục đại học.

         Trong chuỗi tập huấn, vào hai ngày 24 và 25/12/2022, Cục Quản lý chất lượng đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến cho đội ngũ làm công tác bảo đảm chất lượng tại các trường đại học với hơn 1000 đại biểu đăng ký tham dự. Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đá cử 08 cán bộ giảng viên tham dự lớp tập huấn.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến

           Khai mạc lớp tập huấn,  PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học.

TS.Trần Bích Huệ - Phó trưởng Phòng, Phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu đề dẫn

             Phát biểu tại đề dẫn, bà Trần Bích Huệ - Phó trưởng Phòng, Phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết: trong thời gian 2 ngày, các báo cáo viên sẽ giới thiệu 8 chuyên đề trong 15 chuyên đề đã được xây dựng. Những chuyên đề này được lựa chọn trên cơ sở ý kiến khảo sát các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước. Bà Trần Bích Huệ đề nghị, các cán bộ tham gia tập huấn tập trung thời gian trao đổi với các báo cáo viên về những nội dung được trình bày trong đợt tập huấn này.

TS. Nguyễn Kim Dung báo cáo chuyên đề 1

            Tại chủ đề 1: Quản trị, quản lý đại học để bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học do diễn giả GS.TS Mai Trọng Nhuận, TS. Nguyễn Kim Dung phụ trách. Báo cáo viên TS. Nguyễn Kim Dung đã thay mặt nhóm tác giả trình bày những nội dung quan trọng liên quan đến công tác quản trị đại học và phân tích mối liên quan giữa quản trị đại học và bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng trong trường đại học.

           Tại chủ đề 2, báo cáo viên PGS.TS Phạm Văn Tuấn trình bày tổng quan về việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của các trường đại học và các vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai vận hành hệ thống đạt hiệu quả.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn báo cáo chuyên đề 2

          Trong bài báo cáo tại chủ đề 3, PGS.TS. Lê Văn Hảo đã hướng dẫn quy trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra theo thông tư 08 và thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở bám sát khung trình độ quốc gia 1982.

PGS.TS Lê Văn Hảo báo cáo chuyên đề 3

          Các kỹ thuật giảng dạy và hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá để đạt chuẩn đầu ra là nội dung chính trong bài báo cáo của TS. Nguyễn Quốc Chính trong chủ đề 4. Trong bài giảng, báo cáo viên đã nhấn mạnh việc các trường cần ban hành quy định kiểm tra đánh giá người học đạt chuẩn đầu ra với phương pháp, cách thức đánh giá cụ thể để đo lường được mức độ người học đáp ứng chuẩn đầu ra CTĐT mà trường đã công bố.

TS. Nguyễn Quốc Chính báo cáo chuyên đề 4

            PGS.TS Đinh Thành Việt, TS. Phạm Thị Hương, TS. Nguyễn Quốc Chính đã thực hiện báo cáo chủ đề 5: Xây dựng Kế hoạch cải tiến chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Trong đó các diễn giả lưu ý việc cần thiết phải xây dựng quy trình cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài, việc phân chia kế hoạch theo mốc ngắn hạn, dài hạn và thực hiện việc kiểm tra giám sát để đảm bảo kế hoạch được triển khai đúng tiến độ.

PGS.TS Đinh Thành Việt báo cáo chuyên đề 5

          Xây dựng Kế hoạch cải tiến chất lượng chương trình đào tạo là nội dung mà các diễn giả PGS.TS Nguyễn Quang Giao, TS. Phạm Thị Tuyết Nhung báo cáo tại chủ đề 6. Trong bài báo cáo, các diễn giả đã nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch căn cứ vào bộ tiêu chuẩn và phải đưa ra quy trình/công cụ/nguồn lực rõ ràng phục vụ cho kế hoạch cải tiến chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Quang Giao báo cáo chuyên đề 6

           Việc các trường đại học Việt Nam có thể khẳng định thương hiệu trong khu vực và trên thế giới phụ thuộc vào việc gia nhập vào hệ thống xếp hạng và tham gia kiểm định CSGD và CTĐT của các trường trong khu vực và quốc tế. Đó là nội dung của chủ đề 7: Kinh nghiệm quốc tế, khu vực về bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục do báo cáo viên TS. Mai Thị Quỳnh Lan, TS. Phạm Thị Tuyết Nhung thực hiện.

TS. Mai Thị Quỳnh Lan báo cáo chuyên đề 7

         Chủ trương, chính sách, quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam chính là nội dung chủ đề 8 do các Báo cáo viên ThS. Nguyễn Thị Huyền, TS. Tạ Thị Thu Hiền, PGS.TS Lê Ngọc Quỳnh Lam thực hiện.

ThS. Nguyễn Thị Huyền báo cáo chuyên đề 8

          Trong hai ngày tập huấn, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều thông tin trao đổi, phản hồi, thảo luận sôi nổi đến từ các học viên của các trường đại học. Những nội dung thảo luận đã được các chuyên gia phân tích, trao đổi giúp cho các học viên hiểu rõ hơn các công việc cần triển khai thực hiện trong công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng tại đơn vị mình.  

TS. Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) bế mạc lớp tập huấn trực tuyến

            Bế mạc đợt tập huấn, TS. Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thay mặt Cục Quản lý chất lượng cảm ơn Ban tổ chức của lớp tập huấn, Ban quản lý dự án SAHEP, các chuyên gia xây dựng 8 chuyên đề tập huấn cùng các báo cáo viên và hơn 1000 cán bộ làm công tác bảo đảm chất lượng đến từ hơn 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã dành 2 ngày tập trung nghiên cứu, tham gia học tập và thảo luận các chuyên đề một cách nghiêm túc và đạt hiệu quả cao. Đồng chí lãnh đạo Cục quản lý chất lượng tin tưởng sau đợt tập huấn sẽ nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ làm công tác đảm bảo chất lượng tại các trường đại học để triển khai công tác này tại cơ sở giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả. Đồng chí cũng nhấn mạnh trong thời gian sắp tới Cục Quản lý chất lượng sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý dự án SAHEP cùng các chuyên gia tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực bảo đảm và kiểm định chất lượng GDDH để nâng cao chất lượng cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vươn ngang tầm khu vực và quốc tế.

                                                             Tin bài: Phòng Thanh tra-Khảo thí & QLCL./.


Bài viết khác