Làm theo Di chúc của Người và giữ trọn lời thề với Người

Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta đã 45 năm. Thời gian cứ trôi đi, nhưng trong suốt 45 năm qua và mãi mãi có một điều vẫn luôn ở vạch xuất phát, đó là lòng mỗi người không bao giờ nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với người anh hùng, lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc, người Bác kính yêu của chúng ta, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta đã 45 năm. Thời gian cứ trôi đi, nhưng trong suốt 45 năm qua và mãi mãi có một điều vẫn luôn ở vạch xuất phát, đó là lòng mỗi người không bao giờ nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với người anh hùng, lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc, người Bác kính yêu của chúng ta, nhà văn hóa lớn của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu

Bởi vậy, 45 năm và mãi mãi về sau, tuy Bác xa chúng ta, nhưng Bác lại rất gần chúng ta để đưa đường cho chúng ta đi bằng ngọn đèn tỏa sáng là Di chúc của Người - Một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Di chúc mà Bác gửi lại cho nước, cho dân, cho Đảng là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, tự do và sự tiến bộ của loài người. Di chúc đã khẳng định thắng lợi tất yếu của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ngay từ khi nó đang diễn ra quyết liệt, đồng thời cũng vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi.

Di chúc là sự chăm lo của Người đối với sứ mệnh của Đảng: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”([1]). Trong Đảng phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đặc biệt Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng vì “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”([2]). Di chúc đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển hinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Điều đầu tiên là “công việc đối với con người”; trước hết là với cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích… những người đã hy sinh một phần xương máu của họ… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”([3]).


Di chúc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Bác đề nghị Đảng, Chính phủ cần lựa chọn những người ưu tú trong số những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong, cử họ đi học để đào tạo thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”([4]).

Di chúc “mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động: góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[5].

Về việc riêng, trọn đời Người đã hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp của dân tộc và nhân loại, nên dù phải từ biệt thế giới này, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Người đề nghị, sau khi Người qua đời chớ nên tổ chức đình đám, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân, thi hài Người đề nghị “đốt đi” để tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”.

Trên những giá trị đó, Di chúc mang giá trị nhân văn cao cả, mong mọi người, căn dặn mọi người, mà đặc biệt là đảng viên, cán bộ, những người có chức trọng quyền cao của Đảng cầm quyền cần phải xây dựng, rèn luyện mình tư chất “Ở đời” và “Làm người”. “Ở đời” thì phải thân dân, gần dân, lo cái lo của dân, đau cái đau của dân. “Làm người” thì phải chính tâm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Cần phải giữ trọn đạo nghĩa của truyền thống dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” - cơ đồ, sự nghiệp mà mình đang được thừa hưởng chính là nhờ sự đắp móng, xây nền, sự đấu tranh bằng mồ hôi, công sức, nước mắt và xương máu của tổ tiên, của những bậc tiền nhiệm: cán bộ, đồng bào, chiến sĩ…

Di chúc đã phản ánh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng - “muôn vàn tình thân yêu” của lãnh tụ đối với Tổ quốc, với nhân dân, với phong trào cách mạng thế giới, với bạn bè khắp năm châu, đặc biệt với thanh niên và nhi đồng. Di chúc mãi mãi là những lời dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta, mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hoà bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc của con người.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mỗi người Việt Nam ta càng tưởng nhớ Người với lòng biết ơn, niềm tự hào và tình thương yêu vô hạn. Chính trong bước đường đi lên hiện nay và cuộc sống mỗi người đang được hưởng, chúng ta càng thấy rõ Bác Hồ vẫn luôn luôn ở bên cạnh, dẫn dắt chúng ta đi qua cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, bước vào cuộc chiến đấu mới đang tiếp diễn, đó là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, hạnh phúc và giàu mạnh, mà ở đó mọi người có chung một Đảng Cộng sản Việt Nam anh hùng, quang vinh mà Người đã sáng lập và rèn luyện, một Tổ quốc Việt Nam có bề dày lịch sử hàng nghìn năm và một dân tộc đầy truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, dũng cảm, thuỷ chung, đã từng đánh thắng 3 đế quốc to là Nhật, Pháp, Mỹ và đã để lại trong lòng nhân loại: Việt Nam là lương tri của thế giới, của thời đại.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mỗi người Việt Nam đọc lại bản Di chúc của Người gửi lại 45 năm trước, để thấm nhuần hơn nữa tư tưởng và tình cảm của Người, để thấy được ta theo Di chúc của Bác, ta đã lớn thêm lên, chững chạc, đĩnh đạc, đàng hoàng bước vào thế kỷ XXI với sự nghiệp vĩ đại Bác trao “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”([6]).

Đây cũng là dịp chúng ta cùng nhau ôn lại 5 lời thề thuỷ chung trước anh linh của Bác tức là sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác, để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, suốt đời phấn đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của mỗi chúng ta:

Chúng ta đã thề với Người: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, để thoả lòng mong ước của Người”([7]). Và lời thề ấy của chúng ta đã thực hiện được trọn vẹn vào ngày 30/4/1975. Suy nghĩ về thời điểm lịch sử này, ta càng thấy những lời căn dặn trong Di chúc sâu sắc biết nhường nào, càng thấy Bác Hồ vĩ đại biết nhường nào. Đó là tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, bởi ngay từ tháng 9/1960, Bác đã khẳng định: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”([8]).

Cả nước đồng lòng đã thề với Người: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”([9]). Sau đại thắng mùa Xuân 1975, cả dân tộc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, để “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đó là “ham muốn tột bậc” của Bác Hồ và cũng là lòng trung thành của các thế hệ người Việt Nam đối với Bác, đối với con đường Người đã chọn. Cho nên, trong thời điểm cam go của lịch sử ở những năm 80 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, trước thế nước có những thử thách hiểm nghèo; tiến lên hay tụt hậu? Đảng ta đang trong tuổi 56 lại đảm nhận trách nhiệm với lịch sử, đưa dân tộc làm một cuộc chiến “rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất là vẻ vang” - cuộc chiến đổi mới vào 15 năm cuối cùng của thế kỷ XX theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”([10]).

Cuộc đổi mới này đã được thế giới đánh giá “Đó chính là sự mở ra cho thế kỷ mới. Vì chính sách đổi mới thật sự vì dân giàu nước mạnh”; “Là tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh trong thế kỷ XXI”. Và Nghị quyết Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “15 năm đổi mới (1986 - 2000) đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu… giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Công cuộc đổi mới này đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng thế giới: “Sự vững vàng của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay là may mắn có Bác Hồ và Đảng của Bác Hồ”([11]); “Ngày nay, khi nhân loại đang sống trong những giờ phút khó khăn, sự nghiệp phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lời giáo huấn, tư tưởng, tinh thần đấu tranh chống thực dân, đế quốc, sự nhiệt huyết cách mạng của Người là một động lực đối với tất cả những người cộng sản và là một tấm gương cổ vũ đối với các dân tộc”([12]).

Vĩnh biệt Bác Hồ, chúng ta đã nguyện với Người “chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người… mang lá cờ bách chiến bách thắng của Người tới đích cuối cùng”([13]). Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII (6-1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã trân trọng ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX (4-2001), một lần nữa Đảng ta khẳng định rõ và làm rõ thêm những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 23 - CT/TW, ngày 27/3/2003 “Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Để xứng đáng với Bác kính yêu, trong dịp kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Người (19-5-2006), Đảng đã phát động cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là một quyết định quan trọng có ý nghĩa lịch sử, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng toàn dân ta. Đó là việc làm thiết thực làm theo Di chúc của Người và giữ trọn lời thề với Người.

45 năm trước, khi vĩnh biệt Bác Hồ gửi lại điều ước mong “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là, toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. 45 năm sau Đảng của Người, nhân dân của Người, đất nước của Người báo cáo với Người rằng đã, đang và sẽ đưa điều mong muốn đó của Người thành hiện thực:

Đất nước Việt Nam bao đời nghèo đói thiếu ăn, vì dân thiếu gạo nên lúc sinh thời Bác bảo - chiều thứ 7 hàng tuần để Bác ăn cháo - dân, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai, sắn bao nhiêu phần trăm thì cũng để Bác ăn độn bấy nhiêu phần trăm giống như cán bộ, như dân. Trước lúc đi xa Bác dặn: “Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” ([14]). Nhờ ơn đức đó của Bác, mà giờ đây Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 thế giới.

Sinh thời, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ, chiếc quạt giấy mà ít khi Bác dùng quạt điện, Bác bảo: Bác làm vậy để dành điện phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống sinh hoạt của dân. Nhờ sự chăm lo đó mà để đến nay đất nước Việt nam đã có đường dây 500 kilôvôn, với hàng chục nhà máy điện thắp sáng khắp các miền quê Việt Nam;

Con đường Trường Sơn xưa trăm núi, ngàn khe hiểm trở nay đã là con đường bằng phẳng, con đường huyết mạch của đất nước, con đường làm giàu của đất Việt được mang tên Bác kính yêu, chạy từ tỉnh đầu Tổ quốc Cao Bằng đến tỉnh cuối cùng đất nước Cà Mau.

Đất nước Việt Nam đã vươn ra tầm thế giới: Là một thành viên của Liên hiệp quốc - một tổ chức lớn nhất thế giới; Là một thành viên của hoà bình, hợp tác, phát triển khu vực ASEAN; Là một nước trong tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC và ngày 22/2/2009 nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức cho ra đời những lít xăng, dầu “Made in Việt Nam” đầu tiên đánh dấu một bước phát triển mới của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, góp phần công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Đã là một nước trong khối WTO để đi vào sân chơi chung với nền kinh tế thế giới.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội để đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, một nước Việt Nam “giàu mạnh”, là điểm đến, điểm hẹn của thế giới, đáp lại lòng mong đợi của Bác đã chỉ dẫn từ năm 1960 “Con đường phía trước”: Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp ngàn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có máy phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà..., là con đường ấm no thật sự của nhân dân”([15]). 

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, lại thêm một dịp để mỗi người chúng ta báo cáo với Bác những công việc mà mình đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện theo những lời dặn dò, nhắn nhủ và mong đợi của Bác. Và đây cũng là một cơ hội tốt để mỗi người chúng ta thật thà tự phê bình và phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm chỉnh, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa, thấy rõ những ưu điểm để phát huy thêm. Từ đó, tất cả mọi người đem lòng đoàn kết với tình thương yêu đồng chí, đồng loại và giúp nhau tiến bộ, “vứt bỏ cái ba lô chủ nghĩa cá nhân”, để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ vẫn từng mong và ngày nay Đảng ta đã, đang trăn trở phấn đấu thực hiện. Đây cũng là dịp để mỗi người Việt Nam ta biến những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của mình thành những việc làm thiết thực. Kính yêu Bác, tưởng nhớ Bác, trung thành với Bác là tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng, làm việc thiết thực cho nước, cho dân, nguyện mãi mãi làm theo Di chúc của Bác và lời hứa với Bác kính yêu.

 

Theo TS. Trần Viết Hoàn 
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.12, tr.503

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.510

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.504

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.511

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.512

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.512

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.516

[8] Đặc san báo Nhân dân, ngày 19-5-1985

[9] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2010, tr.41, 3B (bản bút tích)

[10] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr.41, 3B (Bản bút tích)

[11] Sổ cảm tưởng của Khu Di tích Phủ Chủ tịch

[12] Phiđen Caxtơrô: Điện mừng Đảng Cộng sản Việt Nam 60 tuổi, báo Nhân dân, ngày 4-2-1960

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.519

[14] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr.31

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.40-41

Bài viết khác