Học tập những điều Bác dạy trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục 15/10/1968

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp giáo dục được hình thành rất sớm và xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghiên cứu các bài viết, bài nói về vấn đề giáo dục và đào tạo trong ngót sáu thập niên hoạt động cách mạng của Bác, ta càng thấy tư tưởng ấy thể hiện tập trung khát vọng hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.

       Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp giáo dục được hình thành rất sớm và xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghiên cứu các bài viết, bài nói về vấn đề giáo dục và đào tạo trong ngót sáu thập niên hoạt động cách mạng của Bác, ta càng thấy tư tưởng ấy thể hiện tập trung khát vọng hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.   

       Kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013) được đăng trên Báo Nhân dân số 5299 ngày 16/10/1968, chúng ta cùng nhìn lại những điều Bác dành cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên qua đó đúc kết thành những bài học có ý nghĩa trong việc dạy và học hiện nay. Bài viết này được đăng trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.402 - 404.

      Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An vừa bước vào năm học mới 2013 – 2014. Năm học này, Bộ giáo dục & Đào tạo tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TƯ ngày 14/05/2011 của Bộ Chính trị về việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành. Vì vậy, những điều Bác Hồ viết trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới” vẫn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhà trường.

      Trong phần đầu của “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới, Bác viết “Thân ái lời thăm hỏi tất cả các cô, các chú và các cháu”. Bác chỉ rõ trong hoàn cảnh cả nước còn chiến tranh sự nghiệp giáo dục  của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Bác nhấn manh, mặc dù giặc Mỹ  điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, “mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”.

       Tình cảm sâu nặng chân tình của Bác Hồ với các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên và những lời khen đối với ngành giáo dục không chỉ khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của học sinh, sinh viên trong những năm tháng ác liệt.

      Trong bức thư, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên ba điểm sau:

      Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

      Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

       Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.

       Cuối thư Bác nhấn mạnh quan điểm: Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới.     

         Quan điểm giáo dục của Bác và lời dạy về xây dựng khối đại đoàn kết trong sự nghiệp giáo dục, làm rõ trách nhiệm của Đảng, chính quyền trong sự nghiệp phát triển giáo dục, là những chỉ dẫn soi đường cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường chúng ta để trở thành ngôi trường kiểu mẫu của tỉnh Nghệ An và khu vực trong tương lai.

      Người đi xa, nhưng sự nghiệp của Người gây dựng, những lời dạy bảo ân tình của Người vẫn còn đó. Sự nghiệp mà cả cuộc đời Người đã hy sinh phấn đấu đang trông chờ vào thế hệ chúng ta. Để xứng đáng với sự quan tâm, lòng mong mỏi  thiết tha và lớn lao của Bác, chúng ta phải khắc ghi và thực hiện lời Bác dạy “Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”(1). phải nỗ lực hơn nữa để làm tròn trách nhiệm của mình, thực hiện nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra: “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”(2) góp phần “nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần giáo dục ý thức công dân, phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ con người Việt Nam; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”(3).

        Khi ngành giáo dục đang gặp phải những khó khăn như hiện nay thì hơn bao giờ hết, chúng ta phải nỗ lực, đồng sức đồng lòng thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời phải thực hiện tốt phong trào thi đua Dạy tốt – Học tốt, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

        Tại Hội Nghị công tác đào tạo và tọa đàm nâng cao chất lượng dạy và học năm học 2013 – 2014 ngày 14/9/2013, Tiến sỹ Dương Xuân Thao – Hiệu trưởng nhà trường đã kết luận: “Trong thời điểm nhà trường đang gặp khó khăn về công tác tuyển sinh, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính tinh thần đoàn kết, đồng thuận, lòng quyết tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu và sự nỗ lực, sẻ chia của toàn thể cán bộ, HSSV toàn trường sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường và hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, giảng viên là kênh thông tin quan trọng quảng bá hình ảnh của nhà trường”.

       Cũng tại Hội nghị, NGƯT.TS Nguyễn Thị Lan – Trưởng bộ môn Lý luận Chính trị đã nói: “Các thầy giáo, cô giáo chúng ta phải yêu quý học sinh, sinh viên của mình, tâm huyết với nghề, cảm hóa học sinh, sinh viên bằng sức hút của nhân cách và tri thức. Là người thầy giáo phải không ngừng rèn luyện chuyên môn, gần gũi với học sinh, sinh viên, với đồng nghiệp, với cộng đồng, biết yêu thương, quan tâm trò”. Mỗi chúng ta phải coi trọng rèn luyện về mọi mặt để “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.       

         Là học trò phải biết kính trọng thầy cô giáo, thân thiện với bạn bè, phải không ngừng tu dưỡng đạo đức và chuyên môn học tập, học một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, không học vẹt và học tủ.... Ai cũng hiểu, nuôi dạy một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều tình yêu từ con tim và lý trí. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, sư phạm luôn được coi là nghề cao quý, bởi thiên chức của nó tạo nên những công dân hoàn thiện và những con người có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục mà đặc biệt là đội ngũ giảng viên và gia đình phải luôn có những hướng đi đúng đắn cho các em để góp phần đào tạo nên những con người mới – chủ nhân tương lai của nước nhà vừa có đức, có tài.

       45 năm (15/10/1968 - 15/10/2013) đã trôi qua khi Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục lần cuối cùng, nhưng những gì Bác để lại cho ngành giáo dục vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thực sự giỏi, thực sự năng động và sáng tạo nên trách nhiệm của những người thầy, lại càng nằng nề, khó khăn nhưng cũng vô cùng vinh quang. Chính vì thế cả thầy và trò phải ra sức học tập, lý thuyết phải luôn gắn liền với thực tế kết hợp với tư duy khoa học. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chống lại những tệ nạn đang làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh mà bấy lâu nay biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo nhà trường đã và đang dày công vun đắp. 

       Hành trình đối với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An phía trước đang mở ra nhiều cơ hội và cả những thách thức, vì vậy hơn lúc nào hết thầy và trò nhà trường đang nỗ lực phấn đấu để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu từ phía xã hội, đồng thời chuản bị chu đáo cho việc dạy và học khi trường được nâng hạng lên đại học. Có như thế chúng ta mới thực hiện được tốt những lời Bác Hồ dạy và để xây dựng hình ảnh của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An ngày càng khang trang hơn, có uy tín hơn trong ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh và cả nước. Cùng góp công sức xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”./.

                                                                     Nguyễn Mạnh Hưng

                                                              Bộ môn Lý luận Chính trị

CHÚ THÍCH

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.402.

2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77

3. Bộ giáo dục và Đào tạo, Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được thông qua Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI, Hà Nội,2013.

 


Bài viết khác