Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

          Ðể đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị khóa IX, công tác thi đua, khen thưởng đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và tăng cường đoàn kết dân tộc. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Công tác khen thưởng cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật, đã động viên, tôn vinh kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm hơn. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng từng bước được hoàn thiện. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp được củng cố, kiện toàn. Các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt.

Tuy nhiên, phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Nhiều nơi việc khen thưởng còn thiếu chính xác, chưa kịp thời; khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; biện pháp tuyên truyền thiếu đồng bộ... làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể và cá nhân.

Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu còn chưa đầy đủ, toàn diện. Nhiều nơi, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng chưa ổn định, thống nhất; năng lực tham mưu của cán bộ, công chức làm công tác này còn hạn chế.

Ðể đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân.

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua, Khen thưởng. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Ðổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiếm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Ðề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến và thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Chủ động xem xét, khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng của Việt Nam, có nhiều thành tích trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước mà trọng tâm là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tăng thời lượng tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện việc đưa vào chương trình giảng dạy đường lối, chủ trương của Ðảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương khẩn trương kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp nhằm tạo sự thống nhất, ổn định từ Trung ương đến địa phương. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng cần tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao vai trò của hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Tổ chức, phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân gắn với việc tổ chức tốt đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vào năm 2015.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy các đơn vị sự nghiệp Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị.

Ban cán sự đảng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo dõi, kiểm tra thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị kết quả thực hiện.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ đảng.

 

 

                  T/M BỘ CHÍNH TRỊ

(Đã ký)

Lê Hồng Anh

 

 


Bài viết khác