Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và lâm nghiệp

          Sự biến động của thời tiết nước ta không thể tách rời những thay đổi lớn của khí hậu thời tiết toàn cầu. Chính sự biến đổi phức tạp của hệ thống khí hậu thời tiết toàn cầu đã và đang làm tăng thêm tính cực đoan của khí hậu thời tiết nước ta. Việt Nam là nơi bị ảnh hưởng của hiện tượng Elninô. Mối quan hệ giữa Elninô và khí hậu thời tiết ở Việt Nam đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, một số biểu hiện của mối quan hệ này có thể thấy rõ qua những lần thiên tai xảy ra gần đây trên diện rộng ở Việt Nam. Sự biến động phức tạp của thời tiết có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau và không thể tách rời với rừng và nghề rừng. Có thể nêu ra hai khía cạnh quan trọng về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và lâm nghiệp.

          Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giảm lượng tăng trưởng của rừng. Dẫn đến nguy cơ mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Biến đổi khí hậu đe doạ tới đa dạng sinh học rừng, thay đổi tổ thành loài, phân bố và khả năng sinh trưởng của các loài sinh vật rừng. Diện tích cây rụng lá (cây họ dầu) và nửa rụng lá với nhiều loài cây chịu hạn sẽ tăng. Nhiều loài nhiệt đới ưa sáng sẽ di cư cao hơn và các loài á nhiệt đới mất dần. Số lượng quần thể các loài sinh vật quý hiếm sẽ suy kiệt đồng thời nguy cơ xuất hiện các loài sinh vật ngoại lai có hại sẽ tăng. Nhiều loài phải di cư tìm nơi sống mới và nếu không thể thích nghi với điều kiện sống mới hay cạnh tranh với các loài khác sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi hành tinh. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ dịch bệnh, nguy cơ cháy rừng. Các hệ sinh thái sẽ bị suy thoái, đặc biệt là hệ sinh thái ven biển và hệ sinh thái núi. Các quá trình hoang mạc hóa làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng đất, chỉ số ẩm ướt giảm đi gây ra suy giảm sinh khối trên hầu hết các loại rừng, đặc biệt là rừng sản xuất. Số lượng quần thể của các loài động vật rừng, thực vật quý hiếm giảm sút đến mức suy kiệt dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam

           Sự phát triển chưa bền vững của rừng và nghề rừng đã và đang góp phần làm tăng thêm tính cực đoan của khí hậu thời tiết Việt Nam. Mất rừng và suy thoái rừng làm tăng 15% phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Ở Việt nam, mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ước tính làm phát thải 19,38 triệu tấn CO2, chiếm 18,7% tổng lượng khí phát thải ở Việt Nam. Độ che phủ của rừng thấp và chất lượng rừng không cao cũng đã góp phần làm giảm đi khả năng hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra từ các ngành sản xuất khác, ảnh hưởng tới khí hậu thời tiết, làm tăng tần suất thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, gây ra rét đạm rét hại, triều cường, làm tăng nhiệt độ và nước biển dâng, gây triều cường và nhiễm mặn, nhiễm phèn trên diện rộng

            Báo cáo của IPCC giải thích cách rừng ảnh hưởng đến khí hậu địa phương, khu vực và toàn cầu thông qua nhiều con đường, ngoài lưu trữ các-bon. Phá rừng có thể góp phần làm ấm hoặc làm mát qua thay đổi hiệu ứng albedo (hoặc lượng ánh sáng mặt trời phản chiếu); giảm bốc hơi nước – ảnh hưởng đến làm mát không khí; ảnh hưởng đến việc giải phóng các sol khí và các hợp chất hữu cơ sinh học dễ bay hơi vốn ảnh hưởng đến sự hình thành mây; và thay đổi độ gồ ghề của bề mặt trái đất có thể ảnh hưởng đến tốc độ gió. Một hình ảnh hữu ích minh họa các hiệu ứng này có thể được tìm thấy trong Báo cáo Rừng nhiệt đới và Biến đổi khí hậu: Khoa học mới nhất. Sự kết hợp và tương tác của các yếu tố này rất phức tạp. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào quy mô xáo trộn rừng, vĩ độ, tính thời vụ và các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm sẵn có và tuyết phủ, đặc biệt, các điều kiện này cũng sẽ thay đổi theo thay đổi của khí hậu. Các mô hình hệ thống trái đất không đồng nhất về quy mô hoặc thậm chí hướng đi của sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu do các tác động kết hợp hóa sinh và lý sinh của nạn phá rừng, nhưng nhìn chung, ảnh hưởng của chúng có thể bị chi phối bởi phát thải khí nhà kính.

           Báo cáo của IPCC mô tả sức khỏe và chức năng của từng cây và các hệ sinh thái rừng đa dạng bị ảnh hưởng bởi gia tăng tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt. Rừng cũng dễ bị tổn thương bởi các loại sâu bệnh mới nở rộ ở nhiệt độ ấm hơn. Nhưng tác động đáng kể nhất của biến đổi khí hậu tới rừng là tăng thêm khả năng dễ bị tổn thương với hỏa hoạn do mùa cháy và hạn hán kéo dài hơn, kết hợp với tình trạng phá rừng và suy thoái rừng. Hỏa hoạn là nguồn phát thải quan trọng ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là khi chúng diễn ra trong các khu rừng nhiệt đới giàu các-bon như ở Indonesia và Brazil. Báo cáo mới cho thấy rõ rằng rừng là một phần của hệ thống khí hậu: Rừng ảnh hưởng đến khí hậu trên quy mô lớn và qua nhiều con đường; biến đổi khí hậu tác động đến rừng và có thể làm trầm trọng thêm nạn suy thoái rừng; còn con người góp phần vào cả hai phía thông qua quản lý rừng và thay đổi độ che phủ rừng. Vấn đề chính là bảo tồn các khu rừng nhiệt đới thậm chí còn quan trọng hơn chúng ta nghĩ trước đây, cả về làm mát khí hậu toàn cầu và mang lại các lợi ích khác cho khí hậu địa phương. Có nhiều chiến lược để bảo vệ rừng và đặc biệt là chấm dứt nạn phá rừng nhiệt đới.

                                                                                            Nguyễn Thị Trà


Bài viết khác