Seminar “Sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong hoạt động nghiên cứu khoa học”

          Thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023, sáng ngày 27/9/2022, bộ môn Thống kê Phân tích tổ chức Seminar cấp BM với chủ đề: “Sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong hoạt động nghiên cứu khoa học". Thành phân tham gia gồm các giảng viên bộ môn Thống kê  Phân tích và một số giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán.

          Buổi Seminar thể hiện 4 nội dung trọng tâm:

- Vai trò của tài nguyên giáo dục mở

- Xây dựng tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học Việt Nam

- Thực trạng sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong hoạt động nghiên cứu khoa học

- Thảo luận và áp dụng những kiến thức thực tế để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên giáo dục mở trong hoạt động nghiên cứu khoa học

          Tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) là vấn đề đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam quan tâm trong những năm gần đây. Quan điểm về học liệu mở sau đó được rất nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu trên thế giới hưởng ứng, tham gia từ đó lập lên Hiệp hội Học liệu mở (Open Course Ware Consortium) để chia sẻ nội dung, công cụ cũng như phương thức triển khai học liệu mở sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Nền tảng của cách mạng 4.0 là vạn vật kết nối và do đó, điều kiện tất yếu cần có là phải có khoa học mở, truy cập mở, giáo dục mở và dữ liệu mở. OER chứa nguồn tài liệu khổng lồ của nhân loại và cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn OER được số hoá nên rất thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu nhờ có những lợi ích từ ưu thế chính là mở, có thể học, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi và miễn phí. Như vậy, OER không chỉ giúp mọi người tiết kiệm đáng kể các khoản đầu tư cho giáo dục mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Thực trạng nước ta hiện nay, cũng như ở các nước nghèo và các nước đang phát triển khác, đang có rất nhiều người khó hay thậm chí không có khả năng trả chi phí cho việc mua sách vở, đến trường lớp thì các đối tượng này hoàn toàn có thể tự học, tích lũy kiến thức thông qua OER. Bên cạnh đó, với việc học tập kinh nghiệm từ các trường, các cá nhân đi trước, OER giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức, đặc biệt trong điều kiện mà nhân lực, vật lực của chúng ta còn rất hạn chế. Bằng việc xây dựng OER, các trường đại học còn có thể đánh giá được những đóng góp của giảng viên đồng thời nắm bắt được nhu cầu của người học để có kế hoạch cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng dạy, học và nghiên cứu của trường mình. Việc cho phép truy cập mở đối với các chương trình đào tạo cũng giúp các trường thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, phản biện từ cộng đồng người đọc; qua đó góp phần cập nhật, cải tiến công tác dạy, học và nghiên cứu đạt kết quả ngày càng cao.

          Để có thể xây dựng thành công tài nguyên giáo dục mở cho các trường đại học ở Việt Nam nói riêng và cho hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung, theo chúng tôi cần thực hiện các công việc sau:

           Một là, xây dựng một văn bản có tính pháp quy về việc xây dựng OER, trong đó đề cập đến vai trò, quyền lợi của các tổ chức cá nhân khi tham gia đóng góp cho OER;

           Hai là, tuyên truyền rộng rãi về vai trò của OER đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam cũng như triết lý cho đi để nhận được nhiều hơn để các đơn vị, cá nhân thấy được vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng OER và tự nguyện tham gia vào công việc có ý nghĩa này;

           Ba là, tìm kiếm các nguồn tài trợ đóng góp cho việc xây dựng OER nhằm khuyến khích hỗ trợ những cá nhân đã tham gia chia sẻ tài nguyên cho hệ thống tài nguyên giáo dục mở. Đồng thời, hỗ trợ cho việc thẩm định, đánh giá để đảm bảo các nội dung đưa lên hệ thống OER chung thực sự là những tài liệu có giá trị, đã và đang được sử dụng tại các cơ sở giáo dục;

           Bốn là tăng cường tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về sở hữu trí tuệ trong nhà trường để đảm bảo rằng việc đóng góp tài nguyên cho OER không vi phạm bản quyền. song song với đó, cần triển khai áp dụng các giấy phép CC đối với việc cung cấp tài nguyên cho OER, đảm bảo giấy phép CC là bắt buộc.

          Năm là tăng cường đầu tư xây dựng các phần mềm quản lý đồng thời tăng cường quảng bá thông tin để việc tìm kiếm, tiếp cận với các tài nguyên giáo dục mở được nhiều người biết đến và tìm kiếm thuận lợi.

          Sự đồng lòng, chung sức và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ sở giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cần hiểu ý nghĩa, lợi ích và những mặt hạn chế khi khai thác tài nguyên giáo dục mở nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự giác ý thức tích cực của mỗi cá nhân trong quá trình nghiên cứu nhằm đảm bảo ý nghĩa của tài nguyên mở được sử dụng một cách phù hợp, đáp ứng thực tiễn nhu cầu nghiên cứu.

Một số hình ảnh của buổi Seminar

 

 

 

 


Bài viết khác