Một số thành tựu, thách thức và triển vọng của ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam và trên thế giới

        Nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên sâu cho giảng viên và sinh viên ngành thú y, tổ Chăn nuôi – Thú y đã thực hiện chuyên đề khoa học: Một số thành tựu, thách thức và triển vọng của ngành chăn nuôi gia cầm. Diễn giả là PGS.TS. Bùi Hữu Đoàn – Giảng viên cao cấp Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và khách mời danh dự là TS. Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng bộ môn Chăn nuôi gia cầm Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam. Nhóm tác giả đã trình bày những tiến bộ Khoa học kỹ thuật, cùng với những thách thức của ngành chăn nuôi nói chung, Chăn nuôi gia cầm nói riêng trong giai đoạn công nghệ 4.0, đảm bảo an toàn thực phẩm, chăn nuôi bền vững.

        Tham gia hội thảo có TS. Võ Thị Hải Lê – Phó khoa Nông Lâm Ngư, Trưởng bộ môn chăn nuôi Thú y giảng viên trong tổ bộ môn, cùng với toàn thể sinh viên Thú y Khoá 8.

        Theo chia sẻ của PGS.TS. Bùi Hữu Đoàn, trong 60 năm từ 1961 trở lại đây, chăn nuôi gia cầm đã có sự gia tăng đáng kể đặc biệt ở các nước Asian, trong đó mạnh nhất là Trung Quốc. Hiện nay, với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ kỹ thuật, ngành chăn nuôi gia cầm có những tiến bộ nhất định khi cung cấp được các sản phẩm về thịt, trứng, hoặc thịt nhân tạo (bằng cách sử dụng phương pháp tổng hợp), thit nuôi cấy thông qua phương pháp tế bào gốc, kỹ thuật chọn lọc giống gia cầm qua bộ gen, chọn giống sử dụng marker DNA và bổ sung thảo dược thay kháng sinh phục vụ cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

          Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi gia cầm cũng gặp rất nhiều thách thức về dịch bệnh, mua và giữ bản quyền các giống mới với các tính trạng trội về sức sinh sản, sản xuất…

         Bên cạnh đó, tại buổi sinh hoạt học thuật, sinh viên đã có sự trao đổi, thảo luận sôi nổi từ đó sinh viên đã được giải đáp những thắc mắc, cập nhật những kiến thức mới hữu ích, những kinh nghiệm đáng giá từ thầy cô, chuyên gia, tiếp thêm sức mạnh cho sinh viên ngành Thú y vững bước trong học tập.

Toàn cảnh buổi hội thảo chuyên đề tại cơ sở 2 – Khoa NLN – Trường ĐH KTNA

       

TS. Võ Thị Hải Lê – Trưởng bộ môn chăn nuôi -Thú y phát biểu khai mạc
PGS. TS. Bùi Hữu Đoàn – Giảng viên cao cấp HVNNVN trình bày tại hội thảo

         Theo PGS. TS. Bùi Hữu Đoàn ngành chăn nuôi đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Theo FAO (2017): Sản xuất thịt chỉ cần khoảng 1/3 lượng ngũ cốc toàn cầu.

         Chỉ sử dụng 17% đất nông nghiệp (9,6% là đất khô cằn, 6,6% đồng cỏ;1,7% đất trồng ngũ cốc; 0,6% trồng cây thức ăn chăn nuôi…

         Thịt cung cấp 18% tổng lượng calo, 34% tổng lượng protein; các vi chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất.

        Trong 60 năm qua, sản lượng thịt đã tăng hơn gấp 3 lần, hiện sản xuất 350 triệu tấn mỗi năm. Trong đó Châu Á tăng 15 lần, Bắc Mỹ tăng 2,5 lần, châu Âu tăng 2 lần. Tốc độ tăng thịt gia cầm cao nhất, tiếp đó là thịt lợn.

         Bên cạnh đó tiêu thụ thịt bình quân đầu ở Việt Nam và Trung Quốc tăng mạnh nhất. Điều này được thể hiện trên biểu đồ dưới đây.

        Điều này đặt ra giải pháp làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm cho con người, khi mà theo dự đoán tới năm 2025 thế giới có khoảng 8 tỷ người, đến năm 2050 con số này tầm 9 tỷ người. Hơn nữa, các nước phát triển  thì tốc độ và nhu cầu tiêu thụ thịt cao hơn so với các nước khác.

         Qua biểu đồ, các nước như Mỹ, nhu cầu thịt gia cầm, bò, lợn, cá lần lượt là 58kg – 37kg, 30 kg – 22 kg/người/năm. Thấp nhất là các nước như Ấn độ 12kg thịt các loại/người/năm và Ethiopia là 8.3kg/người/năm.

Sinh viên Đinh Thị Hằng Linh – Thú y K8 trao đổi cùng chuyên gia

         Trong quá trình hội thảo, các giảng viên và sinh viên cũng như diễn giả đã có những trao đổi chuyên sâu về những vấn đề liên quan đến chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng. Lợi ích của chăn nuôi bền vững mà Việt Nam cần hướng tới để đảm bảo chăn nuôi tuần hoàn, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời phát triển kinh tế, xã hội và có khả năng tái tạo môi trường.

          Chăn nuôi bền vững luôn đảm bảo hài hoà về lợi ích của người chăn nuôi, người tiêu dùng, vật nuôi và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó chăn nuôi hiện nây cần phải là chăn nuôi thông minh, áp dụng đồng bộ các công nghệ thông minh như công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, máy móc vào trong chăn nuôi. Đảm bảo môi liên kết chuỗi chăn nuôi khép kín “từ bàn ăn đến trang trại” nghĩa là liên kết từ trại chăn nuôi kết nối với thu gom, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (kể cả xuất khẩu); liên kết năm nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà băng (ngân hàng) và Nhà khoa học). Sản phẩm chăn nuôi an toàn, giá cả hợp lí, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

          Qua trao đổi, PGS.TS. Bùi Hữu Đoàn cũng đã giải thích rõ về lợi ích của thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm, đặc biệt loài thuỷ cầm như vịt có nguồn gốc từ xứ lạnh, sức đề kháng cao với điều kiện tự nhiên, nên mỡ gia cầm rất tốt, chứa các axit béo chưa no, tác dụng tương tự dầu ô – liu; giá trị dinh dưỡng của trứng các loại gia cầm và thuỷ cầm không có sự khác biệt và thành phần các chất.

         PGS.TS Bùi Hữu Đoàn còn chia sẻ rất nhiều các thông tin thú vị và bổ ích. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm chú ý của tập thể giảng viên và sinh viên chuyên ngành thú y. Các bạn đặt nhiều câu hỏi hay cho diễn giả và đã cập nhật được nhiều kiến thức chuyên sâu về chăn nuôi gia cầm, giải pháp chăn nuôi bền vững, hiệu quả và kinh tế, giảm được chí phí thức ăn cho 1 kg tăng trọng.

          Đặc biệt những tiến bộ trong dinh dưỡng gia cầm đã có sự thay đổi vượt bậc, tiêu tốn thức ăn cho tăng trọng đã giảm từ 2,5kg/ 1 kg tăng trọng xuống còn 1kg/1 kg tăng trọng, điều này được thể hiện trong sơ đồ. Điều này có ý nghĩa to lớn khi tiết kiệm được 30% ngũ cốc/100 tỷ gà thịt, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

          Sự phát triển chuyển đổi về tỷ lệ thức ăn đối với gà thịt từ năm 1985 đến 2025

          Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã mở ra hướng mới, có thể sản xuất thịt nhân tạo từ protein của gia súc, gia cầm. Điều này có nghĩa là giảm diện tích dành cho chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường, không có sự cạnh tranh về lương thực thực phẩm với con người.

          Hội thảo chuyên sâu về chăn nuôi gia cầm, những tiến bộ về Khoa học kỹ thuật, cùng với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay đã mở ra những định hướng dinh dưỡng trong chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam, đó là:

- Tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương

- Sử dụng thảo dược cho gia cầm nhằm tăng giá trị dinh dưỡng cho sản phẩm.

- Chủ động thức ăn và phát triển theo chuỗi.

- Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn nhằm phát triển bền vững, cho thế hệ hôm nay và mai sau.

            Hội thảo đã thành công tốt đẹp khi mang lại những kiến thức thực tế, chuyên sâu cho giảng viên và sinh viên ngành thú y./.

                                                                                TS. Võ Thị Hải Lê – Phó khoa NLN – ĐH KT NA


Bài viết khác